Thay đổi để thích ứng
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Nhiều thay đổi quan trọng đòi hỏi người lao động và người sử dụng lao động phải chuẩn bị để thích ứng.
Chuẩn bị cho tăng tuổi nghỉ hưu
Một trong những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) là sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu. Đây là nội dung có tác động trực tiếp, sâu rộng đến người lao động (NLĐ) trên cả nước.
Với Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều quyền lợi thiết thân của NLĐ đã được bổ sung.
Hiện nay, theo Bộ luật Lao động 2012, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi. Từ ngày 1.1.2021, khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
“Thực hiện chỉ đạo của Tổng LÐLÐ Việt Nam, LÐLÐ tỉnh đã triển khai việc nắm bắt tình hình lao động, đoàn viên công đoàn sau khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua. Ðến nay, có thể nói, tình hình tư tưởng ổn định, không có bức xúc, phản ứng. Ða số người lao động, đoàn viên công đoàn yên tâm, đồng tình với các thay đổi”.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh NGUYỄN MẠNH HÙNG
Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng, điểm tích cực trong chính sách tăng tuổi nghỉ hưu là tăng theo lộ trình và không cào bằng. Với những lao động làm việc nặng nhọc, độc hại và ở vùng đặc biệt khó khăn thì có cơ chế điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp. Với danh mục 1.748 lĩnh vực, công việc nặng nhọc, độc hại, những lao động trong nhóm này sẽ điều chỉnh chậm hơn và điều chỉnh nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn, có thể nghỉ hưu sớm hơn 5 năm.
Tuy nhiên, đã có những ý kiến lo lắng về độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Một số cô giáo mầm non lo ngại khi đến tuổi “lục tuần”, liệu các cô có còn đủ sức khỏe và nhiệt huyết để chăm sóc trẻ. Đó là chưa kể tâm lý trẻ, gia đình lẫn lãnh đạo nhà trường cũng không mặn mà với “cô giáo già”. Song, vấn đề đặt ra lúc này là phải chuẩn bị như thế nào để thích ứng với quy định mới.
Trên thực tế, số bệnh nhân điều trị các triệu chứng của stress ngày càng tăng, nhất là lao động nữ ở độ tuổi sau 40. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Định - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, rối loạn nội tiết ở độ tuổi tiền mãn kinh, khả năng chịu đựng áp lực công việc suy giảm, độ chính xác trong thao tác làm việc cũng giảm... là những nguyên nhân khiến phụ nữ dễ bị stress. “Càng đến gần tuổi nghỉ hưu, mỗi người cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, lối sống để hài hòa giữa yêu cầu công việc và điều kiện sức khỏe tinh thần lẫn thể chất”, bác sĩ Định lưu ý.
Người lao động được quan tâm hơn
Theo đánh giá chung, việc thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) là một tiến bộ quan trọng. Nhiều nội dung sửa đổi sẽ cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng. Qua đó, tạo khung pháp lý hoàn thiện hơn cho quan hệ việc làm, điều kiện lao động, chức năng đại diện của người sử dụng lao động và NLĐ.
Nội dung thay đổi quan trọng nhất là NLĐ tại DN được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Điểm tiến bộ cũng được thể hiện ở những định nghĩa mới về phân biệt đối xử và quấy rối.
Thêm vào đó, lần đầu tiên, Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã bao phủ cả lực lượng lao động trong quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Do đó, giúp cân bằng lợi ích giữa người sử dụng lao động và NLĐ; hạn chế chênh lệch về quyền, lợi ích giữa chủ và thợ, đáp ứng yêu cầu về một quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này chú trọng hơn đến thỏa ước tập thể, tăng thêm quyền thương lượng của NLĐ. Nhiều quyền lợi của NLĐ được bổ sung, nhiều nguyện vọng được đáp ứng như quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, quyền nghỉ việc riêng vẫn hưởng nguyên lương… Cùng với đó, NLĐ còn được nghỉ thêm 1 ngày trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2.9, kéo dài thời gian nghỉ ngơi.
“Quy định về hoạt động đối thoại giữa DN và NLĐ cũng được điều chỉnh: Tổ chức định kỳ 1 năm/lần thay vì hằng quý như trước đây. Tuy nhiên, hoạt động đối thoại sẽ được tổ chức ngay khi xảy ra sự việc bất thường. Điều chỉnh này rất cần thiết để tránh việc đối thoại được tổ chức theo kiểu hình thức”, ông Hùng nhận định.
HOÀI NHÂN