Thay đổi luật để phù hợp thực tiễn
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, cần phải thay đổi luật để phù hợp với thực tế hiện nay, mang tính răn đe hơn để hạn chế những hành vi “nhờn luật” khi tham gia giao thông.
Qua hơn 10 năm triển khai Luật Giao thông đường bộ đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nhìn chung Luật giao thông đường bộ năm 2008 (có hiệu lực từ 1.7/2009) dường như vẫn chưa đáp ứng, giải quyết được thực trạng ATGT hiện nay.
Trong 10 năm, tính từ năm 2009 đến tháng 6-2019, trên toàn quốc xảy ra gần 327.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 98.000 người và bị thương khoảng 330.000 người. Lực lượng CSGT và các đơn vị khác đã lập biên bản xử lý gần 54.000 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước gần 24.000 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe gần 3.500 trường hợp, tạm giữ hơn 15.000 phương tiện.
Ngược lại, xảy ra 528 vụ chống lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, làm 7 cán bộ hy sinh, 166 cán bộ, chiến sĩ bị thương. Các vi phạm vẫn diễn ra phổ biến như người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, ma túy; vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, xử lý của người thi hành công vụ.
Ở Việt Nam, hoạt động giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ trên 90%. Phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh, bình quân từ 10% - 15%/năm và thực trạng tham gia giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay là giao thông hỗn hợp với rất nhiều loại phương tiện cơ giới, thô sơ, xe 3 bánh…
Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa có các quy định để quản lý, kiểm soát sự gia tăng của phương tiện, nhất là yêu cầu kiểm soát, đảm bảo sự phù hợp, tương xứng với tốc độ phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ; từ đó dẫn đến hệ quả là mất trật tự, ATGT trên các tuyến giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông đã diễn ra nghiêm trọng tại các đô thị lớn.
Bên cạnh đó, do được quy định trong cùng một đạo luật nên việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng chưa đúng, chưa rõ ràng, rành mạch và dẫn đến chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ trong quá trình thực hiện, không có bộ ngành nào chịu trách nhiệm chính, các hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe…
Với tốc độ phát triển nhanh các phương tiện giao thông hiện nay, trong khi ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều người còn hạn chế, nếu như không có những phương án, giải pháp tối ưu thì những vụ tai nạn giao thông đau lòng sẽ vẫn còn tiếp tục diễn ra.
Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu giảm từ 5% - 10%/năm các tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương và để không còn những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, kéo theo bao hệ lụy đau thương, nên việc xây dựng và ban hành một đạo luật mới về trật tự, ATGT đường bộ là việc làm cần thiết và cần sớm triển khai trong thời gian tới, nhằm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Theo MINH HẢI (SGGP)