Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Ðẩy nhanh tiến độ
Năm học 2020 - 2021, Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) sẽ được thực hiện ở cấp Tiểu học. Sở GD&ÐT đã có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất, tuyển chọn sách giáo khoa, từng bước khắc phục những khó khăn, hướng dẫn các trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày để chương trình được triển khai thuận lợi.
So với chương trình hiện hành, Chương trình giáo dục phổ thông mới có ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Tuy nhiên chương trình có 2 môn học mới là Ngoại ngữ và Tin học & Công nghệ.
Chương trình 2018 sẽ được thực hiện vào năm học 2020 - 2021.
Sẽ học 2 buổi/ngày
Ở chương trình giáo dục phổ thông mới, số tiết học trong một năm của tất cả các lớp đều tăng lên. Cụ thể: Lớp 1, lớp 2 có 7 môn học, 1 môn hoạt động bắt buộc, bình quân 25 tiết/tuần; lớp 3 có 8 môn học, 1 môn hoạt động bắt buộc, bình quân 28 tiết/tuần; lớp 4, lớp 5 có 10 môn học, 1 môn hoạt động bắt buộc, bình quân 30 tiết/tuần. Nhưng, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút.
Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện; hạn chế tình trạng học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lý và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.
Ðịnh hướng chung của đổi mới chương trình là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Theo đó, các phẩm chất cần phát triển cho học sinh là: Yêu nước, trách nhiệm, nhân ái, chăm chỉ, trung thực. Các năng lực cốt lõi cần phát triển cho học sinh: Thể chất, tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, ngôn ngữ, toán học, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ.
Theo thống kê, hiện tại toàn tỉnh cấp tiểu học đã có 57,29% số học sinh được học 2 buổi/ngày theo chương trình hiện hành. Những nơi chưa tổ chức được nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn về quỹ đất, kinh phí, tỷ lệ giáo viên chưa đảm bảo theo quy định. Hiện nay, huyện Hoài Nhơn là địa phương chuẩn bị khá tốt cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Không chỉ tổ chức bán trú cho cấp tiểu học, Hoài Nhơn cũng đã hợp đồng giáo viên giúp học sinh lớp 1, 2 làm quen với Tiếng Anh bằng nguồn lực xã hội hóa.
Cùng sẵn sàng như với huyện Hoài Nhơn, một số địa phương khác còn chủ động xây dựng cảnh quang cho học sinh học trải nghiệm, dạy học theo phương pháp mới. Ông Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (huyện Tuy Phước), chia sẻ: “Tìm hiểu kỹ, tôi thấy dạy phương pháp mới rất hay, tạo được hứng thú cho học sinh, nhà trường đã ứng dụng phương pháp này nhiều năm rồi, học sinh cũng đã rất quen thuộc”.
Dù vậy ở một số xã miền núi vẫn còn gặp khó khăn về việc dạy Tiếng Anh và Tin học. Ông Trần Văn Tho, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Canh Liên (huyện Vân Canh), chia sẻ: Chúng tôi đang rất cố gắng để sắp tới thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên phải nhìn nhận thực tế, nhà trường gặp phải khó khăn về việc dạy Tiếng Anh và Tin học vì có những điểm trường cách xa điểm chính, có những điểm còn nằm biệt lập như Canh Tiến mà chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh thì khó phân bổ vì việc đi lại giữa các điểm mất quá nhiều thời gian.
Nghiêm túc chuẩn bị
Để tăng cường cơ sở vật chất để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Theo đó, toàn tỉnh tập trung xây dựng bổ sung 105 phòng học, 1.338 phòng phục vụ học tập (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, hỗ trợ giáo dục khuyết tật hòa nhập); mua sắm bổ sung 907 bộ thiết bị dạy học khối lớp 1, 901 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 2, 890 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 3, 877 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 4, 872 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 5 và 233 phòng thiết bị tin học.
Ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Đến thời điểm này, tất cả các huyện đã tập trung chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên theo kế hoạch chương trình giáo dục phổ thông mới. Chúng tôi cũng đã tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 để triển khai chương trình này. Hiện nay, điều thuận lợi là cơ sở vật chất đã tạm ổn. Tuy nhiên, thành phố và thị xã vẫn còn gặp khó khăn về phòng học, do vậy, trước tiên ưu tiên cho lớp 1 học 2 buổi/ngày vào năm học tới. Tỷ lệ giáo viên hiện nay của Bình Định khoảng 1,4/lớp, trong kế hoạch dạy 2 buổi/ngày là 1,5/lớp. Trong đó, số giáo viên còn thiếu rơi vào giáo viên Tiếng Anh, Tin học. Sở chỉ đạo tuyển dụng biên chế giáo viên theo vị trí việc làm đảm bảo thực hiện chương trình mới. Về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức dạy học, từ năm 2017 Sở chủ động triển khai các chủ trương về tinh giản nội dung dạy học và tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp; đồng thời cập nhật cái mới, bỏ những gì lạc hậu, áp dụng những phương pháp tích cực như phương pháp bàn tay nặn bột, phương pháp STEAM, mô hình trường học mới VNEN...”.
Sắp tới, UBND tỉnh thành lập hội đồng phân tích, nghiên cứu, tuyển chọn sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó hội đồng gồm: Lãnh đạo sở, chuyên viên các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, hiệu trưởng, giáo viên cốt cán của các trường ở 3 vùng miền: Trung du, miền núi, đồng bằng. Sau khi chọn xong sẽ tập huấn cho các trường từ tháng 3 - 6.2020. Đồng thời Sở GD&ĐT đang phối hợp các ban, ngành có liên quan như Ban Tuyên giáo, Sở Du lịch, Sở VH&TT… phối hợp biên soạn chương trình giáo dục địa phương - ông Phan Thanh Liêm cho biết thêm.
THẢO KHUY