Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu folklore: Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa
Thời gian qua, hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian (folklore) trên địa bàn tỉnh khá phát triển. Nhiều công trình, đề án được sưu tầm, phát hiện, trong đó có không ít những đề tài có giá trị; góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của quê hương.
Một đợt điền dã, giao lưu giữa các nhà nghiên cứu folklore Bình Định và Phú Yên.
Trò chuyện với tôi, nhà nghiên cứu Yang Danh bộc bạch: “Chưa bao giờ mình lu bu công chuyện như năm 2019. Vừa sưu tầm, nghiên cứu các vấn đề về folklore của người Bana Kriem, vừa soạn tài liệu phục vụ Liên hoan Văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định 2019. Ngoài ra, mình còn đảm nhiệm việc hướng dẫn thầy cô giáo và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Vĩnh Thạnh phương pháp, kỹ năng sưu tầm một số lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể, trực tiếp thị phạm, dạy các em, các cháu đánh cồng chiêng và múa, hát dân ca Bana Kriem… Năm nay mình đã nỗ lực hoàn thành 2 đề tài: “Nhạc cụ cổ truyền người Bana Kriem Bình Định” và “Văn hóa rẫy một thời của người Bana Kriem Bình Định”. Cả 2 đề tài này được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tài trợ in sách”
Thời gian qua, hoạt động sưu tầm, nghiên cứu folklore trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và đạt được những kết quả khả quan. Nhiều công trình, đề tài nghiên cứu của hội viên đã được xuất bản, như: Nghiên cứu bảo tồn Thập bát ban binh khí Võ cổ truyền Bình Định (Nguyễn An Pha); Văn hóa dân gian huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Trần Xuân Toàn, Trần Xuân Liếng); Công cụ săn bắt chim thú, tôm cá của người Bana - Kriem (Yang Danh); Văn hóa cổ truyền của người Hơ rê ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định (Nguyễn Xuân Nhân, Đinh Văn Thành)… Ông Trần Xuân Toàn, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tại Bình Định cho biết: Cùng với hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến công trình, đề án folklore; các đợt sinh hoạt chuyên đề, hội thảo, tập huấn về folklore cũng khá sôi nổi, tiêu biểu là các buổi sinh hoạt học thuật, như: Cái hay, cái đẹp của nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định (Nguyễn Kiểm - Nguyễn An Pha); Sáng tác đồng thoại ở Việt Nam (Lê Nhật Ký)…
Những kết quả hoạt động sưu tầm, nghiên cứu folklore trên địa bàn tỉnh thời gian qua là rất đáng ghi nhận. TS Nguyễn Đăng Vũ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - phụ trách khu vực miền Trung nhận xét: “Bình Định là một trong những địa phương có hoạt động sưu tầm, nghiên cứu folklore khá toàn diện. Ví như việc Chi hội Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - Bình Định xây dựng được Tủ sách Văn nghệ Dân gian Việt Nam là rất đáng nể”.
Trên cơ sở những kết quả hoạt động sưu tầm, nghiên cứu folklore trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Chi hội Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - Bình Định đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, qua đó xác định: Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến những công trình, đề án folklore, góp phần phát huy những giá trị văn hóa của quê hương, đất nước… Trao đổi với phóng viên Báo Bình Định, ông Trần Xuân Toàn cho biết: Chi hội sẽ chú trọng nâng cao trách nhiệm và tình yêu đối với hoạt động nghiên cứu, sưu tầm folklore trong đại gia đình các dân tộc ở tỉnh Bình Định, nhằm nâng cao chất lượng sưu tầm, nghiên cứu folklore của hội viên; có kế hoạch tìm kiếm, giới thiệu các nghệ nhân dân gian, các nhân tố có khả năng về sưu tầm, nghiên cứu folklore để bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ về lâu dài. Trước mắt, Chi hội sẽ phối hợp với Hội VH&NT tỉnh giới thiệu công trình “Văn thi liệu tầm nguyên tự điển” của nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch.
Liên quan đến bộ từ điển này, ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VH&NT tỉnh cho biết thêm: Đây là công trình nghiên cứu có giá trị cao. Hiện bộ từ điển này còn ở dạng bản thảo viết tay dày 4.258 trang, gồm 4 tập với hơn 15.000 từ. Nếu được giới thiệu, phổ biến rộng rãi sẽ là tài sản rất quý…
Nhà nghiên cứu Yang Danh chia sẻ, thời gian tới, ông sẽ tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy các giá trị folklore của người Bana Kriem. Theo đó, ông sẽ tập trung hoàn thiện chương trình tặng cồng, chiêng cho các làng dân tộc; tiếp tục truyền dạy phương pháp, kỹ năng đánh cồng chiêng và múa, hát dân ca Bana Kriem. Đặc biệt, ông sẽ tiến hành thực hiện Bộ Từ vựng Bana Kriem - Việt…
VIẾT HIỀN