Ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật: Cần giải pháp đồng bộ và lâu dài
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và phê duyệt dự án di dời, ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến đường An Dương Vương (TP Quy Nhơn) giai đoạn 2019 - 2021. Tuy nhiên, để lộ trình ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật triển khai theo đúng lộ trình đề ra, cần thiết phải xây dựng một giải pháp lâu dài và đồng bộ giữa các đơn vị liên quan.
Nhân viên VNPT đưa cáp xuống bể cống ngầm tại góc ngã tư Trần Phú và Nguyễn Trãi, TP Quy Nhơn.
Trong 3 năm qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực chỉnh trang đô thị. Theo đó đã tiến hành định vị các tuyến cáp treo trên trụ điện, cùm bó gọn, hạ ngầm hơn 833 km tuyến cáp trên 260 tuyến đường trên địa bàn tỉnh, góp phần làm cho không gian đô thị phong quang hơn. Tuy nhiên, việc hạ ngầm chỉ diễn ra ở một vài đơn vị viễn thông khi họ tự kéo một phần cáp của mình đưa xuống các tuyến cống ngầm riêng, còn lại phần lớn hệ thống các tuyến cáp vẫn treo mắc trên cột điện.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2931/QĐ-UBND, bắt buộc các khu đô thị mới trong nội thành phải hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đồng thời thí điểm di dời, ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến đường An Dương Vương, TP Quy Nhơn. Đây được xem là giải pháp bền vững để tạo bộ mặt mới cho thành phố. Theo đó, toàn bộ các loại cáp của các ngành viễn thông, điện lực, chiếu sáng đô thị và hệ thống ống cấp - thoát nước sẽ được bố trí đi chung trong hào kỹ thuật ở dưới vỉa hè phía Tây đường An Dương Vương.
UBND TP Quy Nhơn đã tổ chức các cuộc thảo luận về phương án thiết kế dự án ngầm hóa hệ thống lưới điện, cáp thông tin dọc tuyến đường An Dương Vương, nhưng đến nay, các đơn vị liên quan như điện lực, viễn thông, chiếu sáng chưa thống nhất được phương án chung. Phó Giám đốc VNPT Phạm Quốc Trung chia sẻ: “Do liên quan đến nhiều đơn vị quản lý hạ tầng khác nhau. Mỗi đơn vị thuộc các cơ quan chủ quản khác nhau, có quy định riêng về bố trí nguồn vốn, thời gian… nên để đi đến thống nhất cần nhiều thời gian hơn nữa”.
Bài toán quy hoạch đồng bộ không gian ngầm đang gặp nhiều trở ngại về vốn, cơ sở hạ tầng và chi phí vận hành. Theo ông Trần Quang Minh, Phó Trưởng phòng Hạ tầng, Sở Xây dựng Bình Định, chi phí để ngầm hóa toàn bộ hệ thống dây điện, cáp viễn thông và cải tạo cảnh quan đô thị vô cùng lớn, nếu không có sự vào cuộc của chính quyền và các bên liên quan, dự án khó hoàn thành đúng thời hạn. Về cơ sở hạ tầng, hành lang vỉa hè dành cho việc hạ ngầm trên đường An Dương Vương còn quá ít. Phần phía trước vỉa hè dành để trồng cây, vào trong một chút là đụng hệ thống hạ tầng ngầm của VNPT đang hoạt động. Diện tích còn lại nếu muốn triển khai phải thực hiện ngay sát nhà dân gây nhiều ảnh hưởng. Ngoài ra, sử dụng hạ tầng ngầm chung các DN cần phải trả phí, tuy nhiên, các bên vẫn chưa thống nhất về mức giá thu phí này.
Đường An Dương Vương là nơi tập trung nhiều tòa nhà cao tầng của thành phố, hơn nữa khu vực này trong tương lai còn có tuyến cáp quang biển quốc tế SJC2 chạy qua. “Quy hoạch cần phải lâu dài, trong đó tính toán đến cấu trúc không gian đô thị ngày càng mở rộng, dẫn đến lượng tiêu thụ điện, cáp viễn thông và nước cũng tăng theo. Nếu thiết kế không chuẩn, thiếu tầm nhìn xa cho việc nâng cấp sau này sẽ gây lãng phí và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. TP Hồ Chí Minh đã phải trả giá khi làm chuyện này. Ngoài ra, thiết kế đồng bộ sẽ tránh được tình trạng chuyển “mạng nhện” từ trên trời xuống dưới đất” - ông Hoàng Anh, Giám đốc FPT Telecom chi nhánh Bình Định chia sẻ.
Dù còn rất nhiều việc phải làm nhưng khi nói về tiến độ thực hiện dự án, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam lạc quan cho biết: “Thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2019. Công trình dự kiến thi công trong quý I/2020 và hoàn thành trong năm 2020”.
HỒNG HÀ