“Châu về Hợp Phố”
Đây là một thành ngữ quen thuộc trong tiếng Việt. Trên báo chí, thành ngữ này cũng thường được sử dụng. Thành ngữ này bắt nguồn từ đâu và có nghĩa là gì?
“Châu về Hợp Phố” vốn là một điển cố gốc Hán, bắt nguồn từ câu “châu hoàn Hợp Phố” hoặc “Hợp Phố châu hoàn” (hoàn: trở về). Điển cố này gắn với địa danh Hợp Phố, một quận xưa của đất Giao Châu, là nơi sản xuất ngọc trai nổi tiếng (châu: ngọc trai, còn gọi là trân châu, về sau chỉ ngọc nói chung). Theo sách Hậu Hán thư, thời Hậu Hán, có tên quan thái thú tham ác ép dân phải đi lấy ngọc châu rất ngặt, vì thế, châu bỏ đi nơi khác hết. Mạnh Thường lên thay, ông bãi bỏ các quy định hà khắc của tên thái thú cũ, cho dân chúng tự do khai thác, sản xuất, chế tác châu. Nhờ đó, châu lại trở về quê nhà Hợp Phố.
Từ câu chuyện trên, người xưa dùng điển “châu hoàn Hợp Phố” để chỉ ý nghĩa “vật trở về chốn cũ” hoặc “nhận lại đồ vật của mình”. Trong Từ điển điển cố văn học, các tác giả Nguyễn Thạch Giang, Lữ Huy Nguyên giảng điển cố này với nghĩa “chỉ vật đã mất nay tìm lại được” (sđd, Nxb Văn học, 1999, tr.189). Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã sử dụng một cách linh hoạt thành ngữ này ở câu “Thoa này bắt được hư không/ Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về”. Đây là những lời của chàng Kim nói với nàng Kiều ở bên kia tường, với ý “thoa này vô tình nhặt được, không biết chủ là ai để mong trả lại”.
Vào tiếng Việt, từ một điển cố, “châu về Hợp Phố” trở thành một thành ngữ với phạm vi nghĩa hẹp hơn. Từ điển thành ngữ tiếng Việt phổ thông giảng thành ngữ này với nghĩa “những cái quý giá không mất được, sớm muộn cũng quay về với chủ nó” (sđd, Nguyễn Như Ý chủ biên, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội, 2002, tr.133). Nét nghĩa “quý giá” phái sinh trong thành ngữ này có lẽ bắt nguồn từ hình ảnh ngọc châu vốn là những đồ vật quý giá.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ