Tuy Phước: Nhiều vùng dân cư còn bị lũ chia cắt
Mưa lũ đã đi qua nhiều ngày, nhưng đến nay các xã khu Đông huyện Tuy Phước (Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng) vẫn còn chia cắt bởi nước lụt. Các tỉnh lộ 640, 636B, 636A vẫn còn chìm trong nước từ 0,3m đến 1m, giao thông tê liệt…
Chúng tôi có mặt tại vùng rốn lũ Phước Hòa trong những ngày này, việc khắc phục hậu quả vẫn đang còn bề bộn. Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Toàn xã đã bị lũ nhấn chìm từ 15.11 đến nay, trong cơn lũ dữ xã đã di dời được 29 hộ với 110 nhân khẩu vùng ngập sâu lên vùng cao an toàn. Hiện nay, trừ thôn Tùng Giản, Kim Tây các thôn còn lại vẫn còn bị lũ chia cắt. Qua kiểm tra bước đầu có 65 ngôi nhà người dân sập hoàn toàn, 30 ngàn con gia cầm bị cuốn trôi, đê sông vỡ đứt 5 đoạn dài 260m; cầu Huỳnh Đông thôn Huỳnh Giản Nam bị trôi. Hiện nay, nước rút đến đâu xã điều động lực lượng xung kích giúp dân dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, che lều bạt tạm cho các hộ có nhà sập trú ngụ và hỗ trợ mì tôm nước uống, sửa chữa lại đường giao thông để nhân dân đi lại. Đồng thời, kè các đoạn đê không cho nước tràn vào khu dân cư, hạn chế ngập lụt.
Tại xã Phước Thắng, nhiều hộ dân đem gạo, thóc bị ngâm trong lũ ra phơi để vớt vát được phần nào. Chị Trần Thị Lựu, làm đại lý thu mua lúa gạo, than thở: Lũ xuống trong đêm và lớn quá nhanh nên nhấn chìm của gia đình chị 3 tấn gạo và 7 tấn lúa, giờ không có chỗ phơi vì trời vẫn còn mưa lai rai, khắp nơi vẫn còn ngập. Còn tại Trường Tiểu học số 1 xã Phước Thắng, một đơn vị bộ đội đang cào bùn non, giúp trường dọn dẹp lại bàn ghế học sinh. Thiếu tá Nguyễn Toàn, Trợ lý dân quân thuộc Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy Phước, cho biết: “Có 10 cán bộ, sĩ quan đến giúp trường quét dọn bùn non, vệ sinh các lớp học, chúng tôi phấn đấu hoàn thành xong một ngày rồi đến giúp đỡ các địa phương khác”. Bà Đặng Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Mấy ngày qua, tất cả giáo viên đều tham gia dọn vệ sinh, nhưng không xuể, kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay chúng tôi cũng không nghĩ tới. Nhờ có các anh bộ đội về giúp sức nên đã khắc phục dần dần trường lớp. Đợt lũ này làm trường thiệt hại nặng với 205 bộ bàn ghế bị hư hỏng, sắp tới không có bàn ghế để các em ngồi học”.
Ông Nguyễn Bay, Trưởng phòng NN-PTNT, thường trực Ban chỉ huy PCLB huyện Tuy Phước, cho biết: Hiện nay, các xã Khu Đông vẫn còn ngập trong lũ nên chưa thống kê hết thiệt hại, huyện đang chỉ đạo tập trung khôi phục lại các tuyến giao thông, cầu cống để nhân dân đi lại, tiếp tục hỗ trợ lương thực, nước uống cho các khu dân cư còn bị lũ chia cắt, huy động lực lượng thanh niên xung kích và các đơn vị bộ đội, công an về giúp dân hốt cát sa bồi đồng ruộng, dọn dẹp cất lán trại cho các hộ có nhà sập ở tạm và vận động người dân xây lại nhà ở. Đối với sản xuất vụ Đông Xuân nước rút đến đâu kịp thời hàn gắn các đoạn đê sông bị vỡ đến đó, nạo vét lại hệ thống kênh mương, đắp lại các đập dâng để đầu tháng 12 đi vào gieo sạ. Đồng thời, tổ chức tổng vệ sinh môi trường, ngành y tế tiến hành phun hóa chất, xử lý các giếng nước ngập lũ, chôn xác gia súc, gia cầm chết tránh xảy ra dịch bệnh sau lũ.
Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm ngày 21.11, huyện Tuy Phước có 4 người chết vì đuối nước trong lũ, hàng chục căn nhà bị lũ cuốn sập hoàn toàn, hệ thống đê sông sạt lở, vỡ đứt gần 760m, ướt hơn 800 tấn thóc giống, gia cầm bị lũ cuốn trôi trên 35 ngàn con… ước tính thiệt hại lên hơn 46 tỉ đồng.
Bài, ảnh: XUÂN THỨC