Hướng dẫn ngư dân xử lý cứu hộ trên vùng biển nhạy cảm
(BĐ) - UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố ven biển đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đánh bắt thủy sản xa bờ biết và thực hiện xử lý tình huống cứu hộ trên các vùng biển nhạy cảm.
Cụ thể, đối với các trường hợp tàu cá hoạt động trong vùng ảnh hưởng thời tiết khi có bão, áp thấp nhiệt đới mà giáp biên giới biển của các nước khác để xin tránh trú sang vùng biển nước khác phải duy trì chế độ trực canh tự động 24/24 giờ các thiết bị thông tin liên lạc; thuyền trưởng có trách nhiệm thông báo với người nhà liên hệ đồn biên phòng gần nhất để làm đơn xin tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới để ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ; sau khi được sự đồng ý của nước sở tại, tàu cá mới được phép di chuyển sang tránh trú.
Trường hợp tàu bị nạn trên vùng biển nhạy cảm, tàu đi cùng tổ, đội đánh bắt đến hỗ trợ tàu gặp nạn mà bị tàu nước ngoài có hành vi cản trở không cho tiếp cận phải báo cáo các cơ quan chức năng về tình hình tàu bị nạn để có biện pháp hỗ trợ; thường xuyên giữ liên lạc, trao đổi với các tàu trong tổ đội; sử dụng thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình để giữ tín hiệu tọa độ trên biển hoặc gửi tín hiệu khẩn cấp SOS đến cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời sử dụng các thiết bị có chức năng ghi lại hình ảnh, như: Điện thoại, máy quay phim… chụp lại màn hình thiết bị định vị có hiển thị tọa độ vị trí, ghi lại quá trình xảy ra xung đột về việc gây hấn, tấn công, kiểm soát, bắt giữ của phía nước ngoài để làm chứng cứ đấu tranh bằng đường ngoại giao đối với tàu cá khi hoạt động ở vùng biển nhạy cảm hay tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam. Chủ tàu, thuyền trưởng nên giữ bình tĩnh, không có các hành vi quá khích hoặc sợ hãi khi bị tàu nước ngoài tấn công, gây hấn, kiểm soát hay bắt giữ; phải đọc kỹ nội dung, không tùy tiện ký vào biên bản do phía nước ngoài lập ra để tránh trường hợp bị vu khống.
BẢO MINH