Ðánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên năm 2019: Thay đổi để phù hợp với thực tế
Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Minh Tuấn, việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp năm 2019 có những thay đổi, bổ sung, hướng đến phù hợp với thực tế.
Ông Lê Minh Tuấn khẳng định, việc đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý là việc khó, phải công tâm, khách quan, đúng thực chất thì mới có hiệu quả thiết thực. Các tập thể, cá nhân được xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” phải có nhiều thành tích nổi bật, có đổi mới sáng tạo, khẳng định vị trí hàng đầu, điển hình để các tổ chức đảng khác học tập, noi theo; kết quả thực hiện một số tiêu chí quan trọng phải đạt cấp độ “xuất sắc”. Do vậy, các tập thể, cá nhân được xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” phải được đánh giá kỹ và thực sự tiêu biểu, tỷ lệ “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số được xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
● Xin ông cho biết việc thực hiện kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý năm nay có những thay đổi nào đáng chú ý?
- Điểm đáng lưu ý là đảng viên sinh hoạt tạm thời thì kiểm điểm, đánh giá ở cơ quan, đơn vị cũ. Cá nhân chuyển đến là người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị mà không liên quan đến mức xếp loại của tổ chức, cơ quan, đơn vị mới thì không áp dụng quy định “Mức xếp loại của người đứng đầu không được cao hơn mức xếp loại của tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình đứng đầu”.
Các cấp ủy đảng cần cụ thể hóa tiêu chí đánh giá, định lượng mức độ đạt được của từng tiêu chí cụ thể để đánh giá, xếp loại chất lượng được chính xác.
- Trong ảnh: Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm việc, hướng dẫn một số nghiệp vụ công tác đảng cho Đảng ủy xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh).
Đảng viên vi phạm kỷ luật ở tổ chức đảng nơi công tác trước đó nhưng bị xử lý kỷ luật và thi hành kỷ luật ở tổ chức đảng mới chuyển đến thì tính vào kết quả đánh giá, xếp loại của tổ chức đảng nơi xảy ra vi phạm.
Ngoài ra, nếu xuất hiện tình huống mới, không mang tính phổ biến, chưa có trong hướng dẫn thì ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy căn cứ các quy định, hướng dẫn hiện hành để vận dụng, quyết định theo thẩm quyền.
● Năm 2018, lần đầu tiên cách đánh giá đa chiều (cấp trên đánh giá cấp dưới, cùng cấp đánh giá lẫn nhau, cấp dưới đánh giá cấp trên) được áp dụng. Bên cạnh nhiều ưu điểm, đã có ý kiến nêu lên vướng mắc, bất cập…
- Cách đánh giá đa chiều được nêu trong Quy định 132-QĐ/TW ngày 8.3.2018 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đây là cách đánh giá khoa học đã được nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị áp dụng phổ biến, hiệu quả. Tuy nhiên, việc cung cấp, tiếp cận thông tin phục vụ cho đánh giá hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đánh giá chưa được khắc phục nên việc đánh giá của chủ thể cùng cấp, cấp dưới còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, phát sinh nhiều thủ tục, giấy tờ.
Vì vậy, Trung ương chỉ đạo tạm dừng việc tham gia đánh giá, xếp loại của các chủ thể ở cùng cấp và cấp dưới; chỉ thực hiện đối với chủ thể tham gia đánh giá ở cấp trên bằng hình thức lấy ý kiến để có thêm căn cứ đánh giá, xếp loại chính xác hơn.
● Vai trò của các cấp ủy trong việc tổ chức kiểm điểm, đánh giá, xếp loại năm nay được thể hiện như thế nào, thưa ông?
- Lần này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy chỉ ban hành 2 mẫu về kiểm điểm tập thể, kiểm điểm cá nhân; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy hướng dẫn cho phù hợp, có thể bổ sung thêm các mẫu nếu thấy thực sự cần thiết.
Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong khung tiêu chuẩn các mức chất lượng, các cấp ủy đảng cần cụ thể hóa tiêu chí đánh giá, định lượng mức độ đạt được (theo 4 cấp độ: Xuất sắc, tốt, trung bình, kém) của từng tiêu chí cụ thể để đánh giá, xếp loại chất lượng được chính xác.
Đặc biệt, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc nhận diện các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nội dung kiểm điểm cần cụ thể hóa phù hợp với từng đối tượng tập thể, cá nhân và cán bộ lãnh đạo, quản lý, từng đối tượng đảng viên, nhất là đối với đảng viên hưu trí không tham gia công tác tại địa phương. Đồng thời, tiêu chí đánh giá, định lượng mức độ đạt được… cũng cần cụ thể hóa để thực hiện sao cho phù hợp với từng loại hình tổ chức đảng, đối tượng đảng viên và đặc điểm của từng địa phương, ngành, lĩnh vực.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)