Không có “ông tổ” chữ Quốc ngữ
Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng thảo luận rất nhiều quanh việc có nên lấy tên các vị linh mục truyền giáo có công sáng tạo chữ Quốc ngữ đặt tên đường tại TP Đà Nẵng hay không. Chuyện này, tôi xin phép không bàn, nhưng lại xin lạm bàn một chuyện, ấy là nhiều người, trong đó có cả nhiều nhà nghiên cứu đã gắn cụm từ “ông tổ chữ Quốc ngữ” cho Alexandre de Rhodes hoặc Francisco de Pina. Xin thưa, đến nay vấn đề này đã ngã ngũ rằng: Chữ Quốc ngữ là một công trình tập thể, trong đó có cả người phương Tây và cả người Việt.
Đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ bắt đầu được sử dụng chính thức ở Việt Nam, người ta cố truy tìm lịch sử của nó, bấy giờ Alexandre de Rhodes đã sớm được công nhận như là ông tổ - người khai sinh ra việc chuyển vần Latin vào tiếng Việt. Đến đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, các học giả nhìn nhận lại: Việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là cả một quá trình, là công việc tập thể của nhiều giáo sĩ phương Tây cùng những người Việt và đó là một công việc thật sự giàu tinh thần khoa học. Alexandre de Rhodes được ghi nhận là người có công lớn - tổng hợp và hệ thống hóa những kết quả sáng tạo của những thừa sai đi trước như chính ông đã nói rõ trong lời “Cùng độc giả của Từ điển Việt-Bồ-La”.
Năm 1961, trong lời tựa tập sách “Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm chữ Quốc ngữ đầu tiên”, Nguyễn Khắc Xuyên - Phạm Đình Khiêm ghi nhận: “Việc sáng chế chữ Quốc ngữ là một công trình tập thể của một số giáo sĩ người Âu, đa số là Bồ Đào Nha, với sự tham gia trực tiếp của một số người Việt dạy tiếng mẹ đẻ cho các giáo sĩ” và Đắc Lộ “chiếm công đầu trong việc hoàn thành và phổ biến lối phiên âm Việt ngữ bằng mẫu tự La-mã, quen gọi là Chữ Quốc ngữ”. Đắc Lộ hay đầy đủ hơn là A Lịch Sơn Đắc Lộ là một cách phiên âm tên của Alexandre de Rhodes.
Alexandre de Rohdes đến Đàng Trong muộn (năm 1624), không phải là người đầu tiên chuyển vần Latin vào tiếng Việt, nhưng là người có công lớn tập hợp xuất bản những quyển sách Quốc ngữ đầu tiên tại Roma (năm 1651). Francisco de Pina, giống như Buzomi và Bori, cũng chỉ mới tự soạn một phương pháp phiên âm tiếng Việt để sử dụng cho riêng mình, Pina chưa làm được công việc mà sau đó các giáo sĩ Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de Rhodes thực hiện, đó là biên soạn tự điển.
Hội thảo khoa học “Bình Định với chữ Quốc ngữ” (tháng 1.2016), đã tổng kết: Với những chứng cứ khoa học hiện biết được, có thể xác định: Linh mục Bề trên Francesco Buzomi (Ý) và 2 cộng sự của giáo đoàn ông là Francisco de Pina (Bồ Đào Nha), Christoforo Borri (Ý) là 3 thừa sai Dòng Tên đầu tiên sáng tạo phôi thai chữ Quốc ngữ tại cư sở Nước Mặn (Bình Định) và không thể xác định ai là người đầu tiên duy nhất. Công lao của các giáo sĩ khác như: Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa và nhất là Alexandre de Rhodes là ở các giai đoạn sau - giai đoạn hình thành chữ Quốc ngữ, thường được kể từ sau năm 1626.
Ngoài ra, phải kể đến sự tham gia và đóng góp quan trọng của những người Việt mà tiêu biểu là quan trấn phủ Quy Nhơn - Trần Đức Hòa, người đã cưu mang giúp đỡ các nhà truyền giáo cả về vật chất lẫn tinh thần cùng những người Việt ở Hội An, Dinh Chiêm (Quảng Nam) và đặc biệt là vùng Nước Mặn (Quy Nhơn), nơi có người thanh niên giỏi Hán học có tên rửa tội là Phê rô đã cộng tác đắc lực với các giáo sĩ phiên âm sáng tạo chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai - ‘‘chữ Quốc ngữ tiền Đắc Lộ’’.
Do những lẽ như trên, một lần nữa xin được khẳng định, không có khái niệm “ông tổ chữ Quốc ngữ”.
NGUYỄN THANH QUANG