Giảm nghèo bền vững dưới góc nhìn khoa học
Tuần qua, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện đề tài: “Giải pháp giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Ðịnh” do PGS.TS Nguyễn Ðình Hiền làm chủ nhiệm. Qua đó, chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến nghèo và đề xuất một số kiến nghị cho chính sách giảm nghèo trong tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
PGS. TS Nguyễn Đình Hiền, Chủ nhiệm đề tài “Giải pháp giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Định” trình bày về các giải pháp tại Hội thảo góp ý hoàn thiện đề tài.
“Mổ xẻ” chuyện nghèo
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát với 230 hộ dân được thụ hưởng chính sách giảm nghèo ở 5 huyện có số hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh, gồm: Phù Cát, Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và 1 xã bãi ngang (xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn). 62,2% số hộ được khảo sát là hộ nghèo; 37,8% là hộ cận nghèo. 51,7% hộ khảo sát là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đa số các hộ được thụ hưởng chính sách giảm nghèo có thu nhập thấp, không có việc làm, là người già neo đơn, không thể lao động, sống nhờ vào trợ cấp bảo trợ xã hội. Đại đa số các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó tiếp cận với các điều kiện phát triển kinh tế.
Người nghèo dành phần lớn thu nhập cho nhu cầu lương thực, chi phí sinh hoạt, khám chữa bệnh... Các hoạt động như vui chơi, giải trí, đầu tư cho kiến thức, phát triển bản thân hầu như không có. Mức tiết kiệm của người nghèo hàng tháng là không có hoặc âm.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến thực trạng nghèo. 23,3% đối tượng được khảo sát thiếu vốn sản xuất; 18,9% do thiếu đất sản xuất; 14,9% do thiếu phương tiện sản xuất; 10,9% do thiếu lao động... Đi vào từng nhóm đối tượng cụ thể, nguyên nhân nghèo khá đa dạng. Nhóm người dân tộc thiểu số, nguyên nhân chủ yếu: Thiếu vốn; ở vùng sâu, xa, đất canh tác xấu; thiếu phương tiện sản xuất. Nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, nguyên nhân nghèo do bệnh tật, thiếu vốn sản xuất, thiếu lao động trong khi lại đông người ăn theo.
Phân tích về nguyện vọng của hộ nghèo, nhóm nghiên cứu chỉ ra: 20% hộ được khảo sát có nguyện vọng hỗ trợ đất sản xuất; 14,3% mong được hỗ trợ tín dụng ưu đãi; 14,2% mong được hỗ trợ y tế; 12,5% mong được hỗ trợ phương tiện sản xuất; 12,2% mong muốn hỗ trợ nhà ở; 7,7% muốn hỗ trợ giáo dục; 7,2% muốn nhận trợ cấp xã hội; 5,7% mong được hỗ trợ tiền điện; 1,3% mong hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động...
Qua khảo sát 32 cán bộ thuộc 3 huyện miền núi và 16 cán bộ huyện Hoài Ân, 19 cán bộ huyện Phù Cát, 6 cán bộ thuộc Phòng LĐ-TB&XH một số huyện, thị, thành phố và 13 cán bộ thuộc các cơ quan liên quan đến công tác giảm nghèo, nhóm nghiên cứu đưa ra một số hạn chế trong xây dựng và thực hiện công tác giảm nghèo. Hạn chế lớn nhất là một số chính sách cho không tạo tâm lý ỷ lại cả trong cán bộ địa phương và người nghèo, dẫn đến việc không chịu cố gắng thoát nghèo, thoát cận nghèo. Tỷ lệ giảm hộ nghèo giữa vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi với vùng đồng bằng, người kinh còn chênh lệch lớn. Tính đồng bộ của các chương trình, dự án giảm nghèo chưa cao. Tính phù hợp của các chính sách giảm nghèo với nguyên tắc thị trường chưa cao. Chưa toàn diện, chưa quan tâm đầy đủ đến chất lượng giảm nghèo.
“Văn hóa giảm nghèo”
Đề xuất về các giải pháp giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025, PGS.TS Nguyễn Đình Hiền cho rằng: “Cần phải có giải pháp giảm nghèo tổng thể, dài hạn và bền vững, dựa trên các trụ cột chính: Phát triển kinh tế nông nghiệp có năng suất và giá trị cao; tăng năng suất lao động và chuyển sang các việc làm có năng suất cao hơn; tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; mở rộng an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các chính sách giảm nghèo bền vững của Trung ương, địa phương”.
Trao đổi tại buổi góp ý đề tài, bà Hồ Thị Minh Phương (giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn), trao đổi: “Có lẽ, nhóm nghiên cứu cũng cần bàn đến “văn hóa giảm nghèo”, tức là tinh thần vươn lên, khát khao giảm nghèo của người nghèo. Xây dựng và lan tỏa thành công “văn hóa giảm nghèo” sẽ góp động lực để giảm nghèo bền vững. Chúng ta có những câu chuyện truyền cảm hứng giảm nghèo từ khắp mọi miền Tổ quốc và ngay tại Bình Định”.
Ông Võ Đồng Phong, Trưởng ban Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chia sẻ thêm: “Một thực trạng đáng nói là một số vợ chồng trẻ lại muốn tách hộ với cha mẹ già để cha mẹ rơi vào hộ nghèo, được hưởng chính sách ưu đãi. Đây là một việc làm phản cảm, đề nghị các địa phương cần chặt chẽ hơn để góp phần ngăn chặn các trường hợp tương tự. Cần có cách thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức để con cái trọn đạo hiếu với cha mẹ, cũng là góp sức cùng với nhà nước, địa phương thực hiện giảm nghèo bền vững”.
NGUYỄN MUỘI