Hỗ trợ HTX xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp: Nhiều lợi ích, đừng ngại khó
Nhờ cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đa dạng nên ngày càng có thêm nhiều HTX xây dựng nhãn hiệu, tham gia vào các hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm, với mong muốn hình thành “thương hiệu” đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Giới thiệu sản phẩm của HTXNN Ngọc An (huyện Hoài Nhơn) với khách tham quan Hội chợ Công thương Bình Định năm 2019.
Đầu năm 2019, HTXNN Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ) đầu tư mua sắm nhiều loại máy móc tiến hành sản xuất dầu đậu phụng nguyên chất. Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc HTX, cho biết: Tầm 15 ngày nữa chúng tôi sẽ giao đậu phụng giống và phân bón cho khoảng 500 thành viên canh tác, đến mùa HTX mua đậu về để ép dầu. Cuối tháng 12, dây chuyền chiết rót đóng chai sẽ đi vào hoạt động và HTX sẽ có sản phẩm dầu phụng nguyên chất chất lượng cao. Và ngay từ bây giờ, chúng tôi đã làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Nhiều địa phương khác cũng làm dầu phụng nên mình phải đăng ký tên riêng để chính danh trên thị trường. Đăng ký sớm chừng nào tốt chừng đó.
Theo thống kê hiện có khoảng 10 HTX đã thực hiện hiệu quả việc liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ làm ra sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 81 HTX và 11 cán bộ phụ trách HTX trong tỉnh, trong đó có nội dung xây dựng, bảo hộ và khai thác nhãn hiệu hàng hóa trong HTX. Bà Nguyễn Thị Hồng Ân, Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và trang trại (Chi cục Phát triển nông thôn), phân tích: “Liên kết sản xuất để có sản phẩm tốt, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để khẳng định giá trị sản phẩm trên thị trường là xu hướng phát triển chung của các mặt hàng nông sản. Những lần tham gia hội chợ triển lãm của HTX, Chi cục luôn chọn những sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu. Trên thực tế, quy trình, thủ tục để xây dựng một nhãn hiệu hàng hóa mất hơn một năm, vì vậy, các HTX khi có sản phẩm mới muốn đưa ra thị trường cần sớm thực hiện việc này”.
Một vài HTX năng động nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Dù vậy, ngay cả số này cũng gặp không ít khó khăn và cần được hỗ trợ nhiều hơn. Ở xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), sau khi thành lập HTX sản xuất kinh doanh hải sản Hương Thanh vào tháng 9.2019, bà Mai Thị Hương - Giám đốc HTX đã hỏi thăm thủ tục để chuyển nhãn hiệu nước mắm từ cơ sở sản xuất của cá nhân của bà trước đây sang nhãn hiệu của tập thể HTX hiện có đến 22 hội viên. “Chúng tôi vẫn chưa biết mình cần phải làm những việc gì và đang cần được hỗ trợ”, bà Hương chia sẻ.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hóa, Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN), đơn vị có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, cho rằng: Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Sở KH&CN luôn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn chuyên môn về sở hữu trí tuệ nói chung và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nói riêng cho HTX. Nhưng chúng tôi không thể làm thay trong khi nhiều HTX có tâm lý ngại khó. Hy vọng các HTX chịu khó làm quen dần với các quy định của Nhà nước, để phát triển, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là việc không thể không làm và làm càng sớm thì càng tránh được rủi ro của việc tranh chấp nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Hiện nay, một số địa phương trong tỉnh đã quan tâm xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực của mình dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có gắn với địa danh. Một vài nơi cũng đang đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, theo đó một số HTX được hình thành sau khi nhãn hiệu hàng hóa được chứng nhận nhằm đẩy mạnh phát triển nhãn hiệu.
NGỌC TÚ