Tăng cường quản lý tàu cá, gỡ “thẻ vàng” IUU
Ðây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng tại cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) tỉnh Bình Ðịnh diễn ra vào cuối tháng 11.2019.
Chủ tịch Hồ Quốc Dũng khẳng định: Nhiệm vụ chống khai thác IUU gỡ “thẻ vàng” thủy sản là trách nhiệm chung của cả nước, không chỉ riêng tỉnh Bình Định. Nhưng với tư cách là một tỉnh có đội tàu mạnh, có lợi ích liên quan rất lớn, các sở, ngành liên quan, chính quyền, các hội, đoàn thể các địa phương trong tỉnh phải triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện.
Lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra tàu cá ra vào cảng cá Quy Nhơn.
Triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình
Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tập trung triển khai nhiều giải pháp chống khai thác IUU nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC); trong đó, đẩy mạnh thực hiện là công tác quản lý tàu cá khai thác thủy sản (KTTS) trên biển.
“Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác phải thực hiện nghiêm túc gắn với việc quản lý tàu cá ra vào cảng. Giao BÐBP phối hợp với Ban quản lý cảng cá tỉnh xử lý các trường hợp tàu cá không giấy tờ, thiếu giấy tờ hoạt động ra vào cảng, nếu không thực hiện tốt thì phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh”.
Chủ tịch UBND tỉnh HỒ QUỐC DŨNG
Ngư dân Trần Ngọc Hoan, ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), chủ tàu cá BĐ 97289 TS, cho biết: “Ngoài việc đảm bảo đủ chiều dài 15 m trở lên hoạt động vùng khơi theo hạn ngạch giấy phép KTTS thì tàu cá đánh bắt xa bờ bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tàu tôi làm nghề câu cá ngừ đại dương, vừa rồi tôi đã lắp thiết bị theo quy định trước ngày 1.1.2020, đảm bảo đủ điều kiện để vươn khơi”.
Còn ngư dân Lê Tấn Hải, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), chủ tàu cá BĐ 93678 TS, cho hay: “Lâu nay bà con ngư dân KTTS xa bờ đều được ngành chức năng thường xuyên tập huấn, tuyên truyền các quy định của Luật Thủy sản nên đến nay tôi nghĩ đều đã nắm rõ. Như tàu tôi làm nghề câu mực thì phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1.4.2020, tôi tính qua Tết Nguyên đán sẽ mua máy để lắp đặt, bởi nếu không thực hiện thì tàu sẽ không được vươn khơi hành nghề. Pháp luật Nhà nước ban hành thì mình phải tuân thủ nghiêm!”.
Theo Sở NN&PTNT, cả tỉnh có khoảng 3.300 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản; trong đó có 69 tàu có chiều dài từ 24 m trở lên và 394 tàu chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình Movimar. Còn lại 1.404 tàu câu cá ngừ và lưới kéo phải được lắp trước ngày 1.1.2020 và 1.433 tàu cá làm nghề khác phải lắp thiết bị trước ngày 1.4.2020. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp đang triển khai kế hoạch lắp đặt giám sát hành trình trên tàu cá và thông báo cho ngư dân lắp đặt theo đúng lộ trình quy định. Theo đó, từ kinh phí hỗ trợ của các nhà tài trợ và ngân sách tỉnh, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.300 tàu cá KTTS xa bờ cho ngư dân trong tỉnh, nhưng không vượt quá số tiền 10.175.000 đồng/thiết bị/tàu. Số tiền còn lại ngư dân đối ứng.
Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm
Năm 2018, Bình Định có 22 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, UBND tỉnh đã xử lý phạt hành chính đối với 5 trường hợp với số tiền 425 triệu đồng, còn 17 trường hợp đang củng cố hồ sơ để xử lý. Riêng từ đầu năm đến nay, cả tỉnh có 18 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đã xử phạt hành chính 2 trường hợp với số tiền 170 triệu đồng, 16 trường hợp còn lại đang xác minh để tiếp tục xử lý.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết đến từng chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá, UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, như: Công khai danh sách chủ tàu cá vi phạm IUU trên toàn quốc; tước giấy phép chấm dứt không cho chủ tàu tham gia hoạt động KTTS; xem xét xử lý hành chính hành vi vi phạm và trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm có tổ chức sẽ xem xét xử lý hình sự. Kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm và trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, xã nếu để xảy ra tàu cá vi phạm KTTS trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ thực thi Luật Thủy sản, Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU, Chủ tịch Hồ Quốc Dũng yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền ngư dân thực hiện các quy định pháp luật; xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài theo luật định. Tăng cường công tác quản lý tàu cá hoạt động KTTS; đảm bảo vệ sinh tại các cảng cá; triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và quản lý theo quy định.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN