Luôn cố gắng để đời sống tốt hơn
Hơn một tháng nay, vợ chồng ông Hà Văn Thời (58 tuổi, ở thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) sống trong túp lều dựng tạm, chỉ cách đầm Thị Nại bởi một hàng đước. Cách đó vài bước chân, cái móng mới vừa được dựng lên thay cho ngôi nhà cũ đã sập, gãy trong cơn bão số 5. Hộ có nhà sập trong bão số 5 trên địa bàn xã Phước Thuận không ít, nhưng nhắc đến gia đình ông Thời, bà con, hàng xóm đều xuýt xoa “rõ là gió vào nhà trống”.
Ông Thời (bìa phải) nhận sự hỗ trợ của Tập đoàn Hưng Thịnh, Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh, các nhà hảo tâm thông qua Báo Thanh Niên.
Ông Thời nghèo. Vợ chồng ông có đến 8 người con. Nhưng điều nhiều người quý mến ông nhất là dù cơ cực, vợ chồng ông vẫn nỗ lực lao động, kiên quyết cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Các con ông đều học lên đến đại học. Một số người con nay đã tốt nghiệp đại học, lập gia đình, lập nghiệp ở nhiều tỉnh.
“Mọi mong ước của tôi đều dành cho các con. Tôi mong chúng có được cuộc sống ổn định, thoát cảnh làm thuê làm mướn, lao động tay chân như cha mẹ. Nhưng mọi thứ không phải lúc nào cũng như mình muốn. Con gái thứ 2 của tôi vừa nhận bằng đại học ở TP Hồ Chí Minh, về lại nhà được vài ngày thì đột ngột qua đời vì bệnh sốt xuất huyết do không có tiền chữa trị. Sau đó, con trai thứ 3 đang học đại học tại TP Hồ Chí Minh lại mắc bệnh tâm thần. Cho đến nay, cháu vẫn phải dựa vào thuốc, bệnh mới đỡ phần nào. Việc học dở dang. Hai đứa út sinh đôi thì đang là sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin và ĐH Quy Nhơn”, ông Thời kể.
Vì vợ bị bệnh thần kinh tọa, tiểu đường, nên ông Thời là lao động chính. Một mình ông lo tiền thuốc thang cho đứa con tâm thần, tiền học cho 2 người con út. Những người con lớn hầu như chỉ giúp đỡ cha mẹ được chút ít bởi đang trong giai đoạn lập nghiệp, vun đắp cho gia đình. Số tiền nợ từ việc vay tín dụng ưu đãi học sinh - sinh viên cho con ăn học vẫn còn đó.
Cơn bão số 5 đẩy gia đình ông vào cảnh cơ cực hơn khi mất đi chỗ che nắng, che mưa, nơi trở về của các con. Khi nghe tin được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Tập đoàn Hưng Thịnh, người đàn ông này đã tìm cách mở móng nhà. Nhưng, không có cửa hàng vật liệu xây dựng, nhóm thợ nào đồng ý bán nợ, nhận xây nhà cho ông. Người ta sợ ông không có tiền để trả. Người hàng xóm tốt bụng phải đứng ra bảo lãnh, cửa hàng mới bán nợ vật liệu để căn nhà được mở móng đúng ngày.
Ngẫm lại cuộc đời mình, ông Thời tâm sự: “Tôi luôn luôn cố gắng, dù cuộc sống có rất nhiều biến cố, nhiều lúc làm mình gục ngã. Tôi cứ nghĩ, mình bỏ cuộc tức là mọi thứ chắc chắn sẽ không thể tốt hơn; còn nếu cố gắng, sẽ có lúc, cuộc sống tươi sáng hơn. Ấm lòng hơn, trong cảnh khó, tôi nhận ra tình người, nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, sự quan tâm của bà con láng giềng, sự giúp đỡ của các DN, các nhà hảo tâm”.
AN PHƯƠNG