Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân
Mùa vụ sản xuất đã cận kề, nhưng hậu quả lũ lụt để lại quá nặng nề, không thể khắc phục trong ngày một ngày hai. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã cùng các ngành, các địa phương đánh giá tình hình thiệt hại, triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả lũ lụt nhằm ổn định đời sống nhân dân và chuẩn bị cho vụ sản xuất Đông Xuân (ĐX) 2013-2014.
Khó khăn nhiều bề
Theo báo cáo tổng hợp của tỉnh, đợt lũ xảy ra từ ngày 15-18.11 đã gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân. Toàn tỉnh có 19 người chết; 99.574 nhà bị ngập nước, nhiều ngôi nhà bị sập; hơn 39.070 giếng nước sinh hoạt bị ngập, bị ô nhiễm. Các lĩnh vực: Nông nghiệp, Công nghiệp, Y tế, Giáo dục… cũng đã bị nhiều thiệt hại do lũ lụt. Tổng thiệt hại ước tính 1.586 tỉ đồng.
Điều đáng nói là mùa vụ sản xuất ĐX 2013-2014 đã đến gần, nhưng nhiều hồ, đập, kênh mương nội đồng bị hư hỏng, bồi lấp... đến nay vẫn chưa khắc phục được. Nguồn lúa giống phục vụ sản xuất cũng thiếu nghiêm trọng.
Tại cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả lũ lụt để kịp thời phục vụ sản xuất vụ ĐX 2013-2014 do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 20.11, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh đều trình bày những khó khăn mà địa phương mình đang gặp phải, đồng thời kiến nghị tỉnh hỗ trợ về kinh phí, lúa giống, lương thực, lực lượng, vật tư… giúp khắc phục hậu quả lũ lụt để kịp thời phục vụ sản xuất.
Ông Trần Hữu Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “ Thời vụ sản xuất ĐX đã đến gần, nhưng nhiều tuyến đường giao thông, đê sông, đê biển và hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn huyện bị lũ lụt làm hư hỏng nặng nhưng chưa có điều kiện khắc phục, ảnh hưởng đến giao thông đi lại và sản xuất nông nghiệp. Mưa lũ cũng đã làm thiệt hại hơn 800 tấn lúa giống các loại, nguy cơ thiếu giống lúa để gieo sạ trong vụ này là rất lớn vì thời vụ gieo sạ đã cận kề (theo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp tỉnh, chân sản xuất lúa 3 vụ bắt đầu xuống giống từ ngày 25.11 tới). Bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, UBND huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ 30.000 bao cát và lực lượng quân đội gia cố tạm các tuyến kênh mương nội đồng bị vỡ, sạt lở, bồi lấp; 1.200 tấn gạo để cứu trợ cho dân; 400 tấn lúa giống để hỗ trợ cho nông dân sản xuất vụ ĐX.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cơ sở hạ tầng giao thông ở Hoài Nhơn bị hư hỏng nặng; kênh mương thủy lợi dài trên 7 km bị lũ băm nát; nguồn lúa giống phục vụ sản xuất ĐX trong dân hầu như bị hư hại. Kinh phí để tu bổ, gia cố các công trình thủy lợi bị hư hỏng là rất lớn, trong khi ngân sách địa phương hạn hẹp, nhân lực, vật liệu… thiếu nghiêm trọng, nên công tác khắc phục đang gặp nhiều khó khăn. Huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ 10 tỉ đồng để khôi phục hệ thống giao thông, thủy lợi; 450 tấn gạo để cứu trợ cho dân; 150 tấn lúa giống để hỗ trợ cho nông dân sản xuất.
Lãnh đạo các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, thị xã An Nhơn… cũng đã đề nghị tỉnh hỗ trợ về kinh phí, lực lượng, vật tư, giống cây trồng... nhằm giúp các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt, kịp thời phục vụ sản xuất vụ ĐX.
Huy động mọi nguồn lực
Tại cuộc họp, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho rằng, trước mắt các địa phương cần huy động lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung kích và lực lượng quân đội đã được tỉnh hỗ trợ sử dụng vật liệu sẵn có để gia cố, hàn khẩu các đoạn đê, kè, kênh mương… bị hư hỏng và khôi phục diện tích đất sản xuất bị sa bồi thủy phá nhẹ để kịp phục vụ sản xuất. Sở NN-PTNT cũng đã tổng hợp kiến nghị của các địa phương với yêu cầu 1.965 tấn lúa giống các loại và khoảng 255 ngàn bao cát.
Ngành Nông nghiệp kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí mua 2.000 tấn lúa giống (trong đó tỉnh mua 1.400 tấn, còn lại các địa phương ứng trước kinh phí tự mua) cho các địa phương. Sở NN-PTNT cam kết giao giống cho các địa phương trước ngày 26.11 để hỗ trợ nông dân sản xuất kịp thời. Còn về bao cát, ngày 20.11 ngành Nông nghiệp hỗ trợ 100 ngàn bao và sau từ 5-7 ngày sẽ hỗ trợ cho các địa phương thêm 100 ngàn bao cát nữa.
Theo lịch thời vụ, trên chân 3 vụ lúa/năm sẽ xuống giống vào ngày 25.11, nhưng trong tình hình thiệt hại lớn do lũ, chưa khắc phục được, các địa phương linh động điều chỉnh lịch gieo sạ cho phù hợp. Lúa giống tỉnh hỗ trợ đảm bảo nhu cầu các địa phương, bởi vậy các huyện, thị xã, thành phố không được để nông dân sử dụng thóc thịt để gieo sạ.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc khẳng định: Việc khắc phục hậu quả lũ lụt, nhằm sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân là việc làm quan trọng nhất, cấp bách nhất hiện nay. Bởi vậy, các ngành, các địa phương phải phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả lũ lụt, trước mắt là phục vụ cho sản xuất ĐX, không trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát công tác cứu trợ, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do lũ lụt gây ra, không để dân bị đói. Đối với các hộ gia đình có người bị chết, bị thương, hộ có nhà bị sập… các huyện phải trích ngân sách hỗ trợ, đồng thời vận động nhân dân hỗ trợ thêm vật liệu, công lao động để xây nhà ở cho bà con bị thiệt hại. Bên cạnh đó, kiểm tra toàn bộ hệ thống đường giao thông, cầu cống, kênh mương nội đồng… trên địa bàn, công trình nào cấp thiết nhất thì huy động lực lượng tu sửa tạm thời để phục vụ đi lại và sản xuất. Sở GT-VT chịu trách nhiệm tu sửa, khắc phục các tuyến tỉnh lộ bị hư hỏng; chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm sửa chữa các tuyến giao thông do địa phương quản lý. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn và các hội- đoàn thể huy động lực lượng chiến sĩ, đoàn viên, hội viên hỗ trợ chính quyền và người dân sửa chữa lại nhà cửa, tu bổ, gia cố tạm các đoạn đường giao thông, kênh mương nội đồng, giúp dân cải tạo diện tích đất bị sa bồi thủy phá để đưa vào sản xuất. Các sở, ngành: Giáo dục, Y tế, Tài chính, Công Thương, LĐ-TB-XH… tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình khẩn trương hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các địa phương và nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, nhất quyết không để hộ dân nào bị đói. Tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ cho các địa phương một phần kinh phí để khôi phục hạ tầng giao thông, thủy lợi; hỗ trợ 2.000 tấn lúa giống và số lượng bao cát theo kiến nghị của các địa phương.
PHẠM TIẾN SỸ