Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng
Thời gian gần đây, hiện tượng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV-PTR) tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp; thêm vào đó, thời tiết nắng nóng do bắt đầu bước vào mùa hanh khô khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở mức khá cao. Trước tình hình này, UBND tỉnh vừa triển khai cấp bách các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (BVR-PCCCR).
Lực lượng kiểm lâm tổ chức diễn tập PCCCR tại khu vực rừng trồng tại xã Bình Tân (Tây Sơn).
Tình hình vi phạm Luật QL-BVR diễn biến phức tạp
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong năm 2012 và 2 tháng đầu năm 2013, tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật trái phép và cháy rừng trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, số vụ vi phạm tuy có giảm so với các năm trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Đáng lo ngại là tình trạng lâm tặc chống người thi hành công vụ vẫn còn xảy ra. Trong năm qua đã xảy ra 5 vụ chống người thi hành công vụ trên địa bàn các huyện Vĩnh Thạnh (2 vụ), An Lão (1 vụ), Phù Cát (1 vụ), Phù Mỹ (1 vụ), gây thương tích cho 2 cán bộ kiểm lâm, làm thiệt hại 2 mô tô. Hiện nay, các vụ việc trên đang được cơ quan điều tra làm rõ và xử lý đối tượng vi phạm theo đúng pháp luật.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, sở dĩ số vụ vi phạm Luật BV-PTR trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn ở mức khá cao là do tập quán canh tác quảng canh của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, nhu cầu đất canh tác khá lớn nên phá rừng trái pháp luật. Tình trạng lao động không ổn định việc làm cùng với lợi nhuận cao từ việc khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản đã kích thích nhiều người dân địa phương tham gia. Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hanh kéo dài, nhiệt độ cao hơn mức trung bình nhiều năm gây khó khăn cho công tác PCCCR. Việc xử lý vi phạm của chính quyền các địa phương đối với việc vi phạm Luật BV-PTR còn thiếu kiên quyết; lực lượng kiểm lâm quá mỏng, lại thực hiện nhiều nhiệm vụ; kinh phí cho việc truy quét lâm tặc còn khó khăn nên công tác BVR còn hạn chế.
Một nguyên nhân quan trọng khác làm cho tình trạng phá rừng ở tỉnh ta diễn biến phức tạp là khi xây dựng các công trình thủy điện, việc khai hoang đất sản xuất cho các hộ tái định cư chưa được chủ đầu tư đáp ứng kịp thời. Do đó, người dân thiếu đất sản xuất vào rừng khai hoang, đốt rừng trái phép. Trong khi đó, lực lượng BVR của các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiệu quả hoạt động của các tổ, đội xung kích BVR-PCCCR ở cơ sở chưa cao; công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác QL-BVR còn yếu. Một số cán bộ kiểm lâm địa bàn chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, chưa bám sát cơ sở để kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp…
Tăng cường các biện pháp BVR-PCCCR
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ BVR-PCCCR năm 2013 do UBND tỉnh vừa tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà đã yêu cầu lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp BVR-PCCCR.
Trong năm 2012, cơ quan chức năng đã phát hiện, lập biên bản 557 vụ vi phạm Luật BV-PTR, trong đó, vi phạm hành chính 546 vụ, vi phạm hình sự 11 vụ. Qua xử lý, ngành chức năng đã tịch thu gần 419 m3 gỗ các loại; 3.200 kg cành nhánh trắc, 193 kg động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã, 8.405 kg than hầm, 5 ô tô, 132 mô tô, 10 sõng nan, 36 máy cưa cầm tay…; qua xử phạt thu nộp vào tài khoản tạm giữ gần 9 tỉ đồng. Bên cạnh đó, trong năm 2012, toàn tỉnh đã xảy ra 30 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 132,59 ha rừng, chủ yếu là rừng trồng bạch đàn, keo, phi lao tại các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, Vân Canh, Hoài Ân, Phù Mỹ, TP Quy Nhơn…
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tỉnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-CTUBND ngày 4.3.2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong BVR, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, vận chuyển, mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép… Tăng cường triển khai các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra đôn đốc các chủ rừng thực hiện phương án BVR-PCCCR thiết thực, hiệu quả. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân về ý thức BVR-PCCCR, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Tiếp tục rà soát, kiểm tra công tác giao đất, giao rừng phòng hộ cho người dân tại các địa phương quản lý, bảo vệ…
Theo ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ngành Kiểm lâm đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ các diện tích rừng trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật BV-PTR cho người dân sống gần rừng. Phát huy hơn nữa vai trò và nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn trong công tác giáo dục người dân có ý thức, trách nhiệm BVR. Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã yêu cầu các chủ rừng (Công ty TNHH lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ, các doanh nghiệp, cá nhân trồng rừng) phải tăng cường trách nhiệm bảo vệ tốt diện tích rừng được Nhà nước giao, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác trái phép lâm sản trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng, đầu nguồn. Vận động các tổ chức, hội-đoàn thể cùng chung tay phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền hội viên của mình tham gia tích cực công tác BVR.
Đối với công tác PCCCR, trong điều kiện thời tiết nắng hạn kéo dài khi bước vào mùa hanh khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng tăng cao, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR thường xuyên tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng dụng cụ, trang thiết bị PCCCR; phân công lực lượng thường trực sẵn sàng ứng phó với cháy rừng; nắm chắc các vùng trọng điểm về nguy cơ cháy rừng và chủ động triển khai các phương án PCCCR để có biện pháp bố trí, triển khai lực lượng chữa cháy khi có sự cố cháy rừng xảy ra.
NGUYỄN HÂN