Mỗi ngày, Việt Nam có gần 315 người chết do ung thư
Sáng 5.12, Hội ung thư Việt Nam, Hội ung thư TPHCM, Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu tổ chức Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư lần thứ 22, thu hút hơn 1500 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.
Bệnh nhân xếp hàng chờ khám bệnh ở BV Ung bướu TPHCM
TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Ung Bướu TPHCM cho biết, hiện nay việc chẩn đoán và điều trị ung thư vẫn là gánh nặng y tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan), nếu như năm 2015, trên toàn thế giới có 14 triệu ca mắc mới và 8,2 triệu ca tử vong do ung thư thì đến năm 2018, con số này đã lên đến 18,1 triệu ca mắc mới và 9,6 triệu ca tử vong.
Dự báo đến năm 2025 sẽ tăng lên 19,3 triệu ca mới (trong đó có 56,8% ca ung thư mới và 68,9% ca tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển). Còn tại Việt Nam, trong năm 2018 ước tính có hơn 164.000 ca mắc ung thư mới và hơn 114.000 ca tử vong.
Như vậy, tính trung bình, mỗi ngày Việt Nam có gần 315 người chết do ung thư, đồng thời có 451 ca ung thư mới. Tại TPHCM, ung thư có sự gia tăng nhanh, tăng 9% mỗi năm. Cụ thể, nếu như năm 2010, TPHCM ghi nhận 6.800 ca mắc ung thư mới thì đến năm 2015-2017 tăng lên 9.000 ca và đến năm 2019 là 23.000 ca.
Cũng theo TS-BS Phạm Xuân Dũng, năm 2019 đã đánh dấu một bước tiến lớn trong việc chẩn đoán và điều trị ung thư, các BV chuyên khoa và các Trung tâm Ung bướu trong nước đã tiệm cận được với những tiến bộ trên thế giới trong lĩnh vực ung thư.
Trong chẩn đoán đã không còn chỉ là chẩn đoán bằng hình thái học mà còn cho biết về đặc điểm sinh học của bướu, các xét nghiệm mới về miễn dịch, giải trình tự gen cũng đã được thực hiện tại Việt Nam. Hình ảnh học và các kỹ thuật mới đã giúp chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh.
Đặc biệt, sự ứng dụng trí tuệ nhân tạo bước đầu được nghiên cứu và áp dụng trong việc hỗ trợ ra quyết định điều trị tại một số BV. Tất cả những tiến bộ trên giúp cho việc chẩn đoán và ra quyết định điều trị bệnh nhân ung thư được cá thể hóa, chính xác hơn, làm tăng kết quả điều trị.
Các phương pháp điều trị không những chỉ hướng đến việc gia tăng hiệu quả điều trị mà còn hướng đến giảm độc tính, giảm di chứng do điều trị, tăng chất lượng cuộc sống, giữ được chức năng sinh học và yếu tố thẩm mỹ của người bệnh. Không chỉ vậy, bệnh nhân đã có thể tiếp cận các thuốc hóa trị mới nhắm trúng đích ngay tại Việt Nam, các liệu pháp miễn dịch, các phương pháp phẫu thuật bằng robot hiện đại, vi phẫu, tái tạo…
Được biết, trong khuôn khổ hội thảo sẽ có 21 phiên hội thảo chuyên đề về tổng quát, đầu cổ, tiêu hóa, tổng quát - huyết học, phổi - lồng ngực, vú, nhi - phụ khoa, chăm sóc giảm nhẹ - điều dưỡng, giải phẫu bệnh và 6 phiên hội thảo vệ tinh. Bên cạnh những chuyên đề chuyên sâu về ung bướu, hội thảo còn tổ chức tập huấn quốc tế về chăm sóc giảm nhẹ trong ung thư.
Dịp này, UBND TP cũng đã trao tặng “Huy hiệu Thành phố” cho PGS-TS Eric Lewis Krakauer, Giám đốc chương trình Chăm sóc giảm nhẹ toàn cầu, BV Đa khoa Massachusetts (Mỹ) do có nhiều đóng góp và hỗ trợ chuyên môn trong hoạt động Chăm sóc giảm nhẹ tại TPHCM nhiều năm qua.
Theo THÀNH SƠN (SGGP)