Những điểm mới về trích lập dự phòng 2019
Ngày 8.8.2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 48/2019/TT-BTC hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại DN (hiệu lực thi hành từ ngày 10.10.2019, áp dụng từ năm tài chính 2019).
Theo đó, thời điểm trích lập và xử lý hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm lập báo cáo tài chính năm. Như vậy, DN được Bộ Tài chính chấp thuận áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì không được trích lập và hoàn nhập dự phòng ở thời điểm lập báo cáo tài chính giữa niên độ.
Về dự phòng giảm giá hàng tồn kho, đối tượng lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho bao gồm nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, thành phẩm, hàng hóa mà giá gốc ghi trên sổ kế toán cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được và đảm bảo 2 điều kiện: Có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính, hoặc các bằng chứng hợp lý khác chứng minh giá vốn hàng tồn kho; hàng hóa tồn kho thuộc quyền sở hữu của DN tồn kho tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm.
Về dự phòng nợ phải thu khó đòi, đối tượng lập dự phòng nợ phải thu khó đòi phải đảm bảo điều kiện: Khoản nợ phải có chứng từ gốc, có đối chiếu xác nhận của khách nợ về số tiền còn nợ; có đủ căn cứ xác định là khoản nợ phải thu khó đòi.
Về dự phòng tổn thất các khoản đầu tư, Thông tư 48 quy định DN không được trích lập dự phòng rủi ro các khoản đầu tư ra nước ngoài.
Về dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và công trình xây lắp, điểm mới theo Thông tư 48 là đối tượng được trích lập và xử lý khoản dự phòng. Xử lý khoản dự phòng, tại thời điểm lập dự phòng, nếu số dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng phải trích lập thấp hơn số dư của khoản dự phòng, thì DN hoàn nhập phần chênh lệch đó và ghi giảm chi phí trong kỳ. Trước đây, đối với dự phòng bảo hành công trình xây lắp thì hạch toán vào thu nhập khác.
CỤC THUẾ TỈNH