Vì sao tội phạm ma túy diễn biến phức tạp trong năm 2019?
Tình hình hoạt động ma túy tại Việt Nam nói chung và tại các tuyến địa bàn trọng điểm nói riêng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong năm 2019, tình hình tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tội phạm có yếu tố nước ngoài. Số vụ, số đối tượng và vật chứng thu giữ tăng mạnh so với năm 2018, đã phát hiện triệt phá nhiều đường dây ma túy đặc biệt lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia, triệt xóa nhiều tụ điểm ma túy phức tạp.
Trên 500 kg ma túy Ketamin được lực lượng chức năng bắt giữ.
Báo cáo của C04, Bộ Công an cho biết: Tính đến ngày 15.11.2019, C04 phối hợp với các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 86 vụ, bắt 283 đối tượng về ma túy, thu giữ trên 612 kg heroin; khoảng 120 kg cocain, trên 2.020 kg và 231.814 viên ma túy tổng hợp, cùng nhiều vật chứng liên quan. Đã thụ lý điều tra 28 vụ, 124 bị can.
Bên cạnh các kết quả đạt được, tình hình hoạt động ma túy tại Việt Nam nói chung và tại các tuyến địa bàn trọng điểm nói riêng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; kết quả phát hiện, bắt giữ loại tội phạm này của các lực lượng chức năng tuy cao nhưng chưa tương xứng với thực tiễn tình hình, điều này xuất phát từ các tồn tại, hạn chế.
Việt Nam nằm tiếp giáp và chịu ảnh hưởng trực tiếp của khu vực “Tam giác vàng” là trung tâm sản xuất, mua bán trái phép ma túy lớn trên thế giới. Đường biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng Lào, Trung Quốc và Campuchia trải dài, lại chủ yếu ở địa hình đồi núi hiểm trở, có nhiều cửa khẩu và các đường mòn, lối mở nên khó kiểm soát của cơ quan chức năng.
Cùng với đó, sự phát triển nhanh chóng của các điểm vui chơi, giải trí hay các loại hình kinh doanh có điền kiện về ANTT như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ,… trong đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chế tài xử lý, công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này còn nhiều bất cập, sở hở.
Chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta bị các đối tượng triệt để lợi dụng để phạm tội ma túy; những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý hoạt động xuất khẩu, tạm nhập tái xuất và sự lỏng lẻo, thiếu giám sát trong quản lý hoạt động của các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đã trở thành “cơ hội” để các đối tượng lợi dụng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia như trong thời gian qua…
Bên cạnh các nguyên nhân đó còn có nguyên nhân liên quan đến công tác tuyên truyền phòng chống ma túy chưa hiệu quả. Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng như Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan,…với các nước trên khu vực và các nước láng giềng chưa thực sự đi vào chiều sâu, phần lớn còn mang tính vụ việc. Chính vì vậy, chưa phát huy được thế mạnh của từng lực lượng và sự hỗ trợ cần thiết của mỗi quốc gia trong công tác phòng chống ma túy,…
Theo Nguyễn Hiền (VOV.VN)