Xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030
Ngày 6.12, hơn 80 chuyên gia và đại diện đến từ các bộ ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, cơ quan nghiên cứu và các tổ chức quốc tế đã tham dự Hội thảo khởi động rà soát việc 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030”, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức.
Ông Phạm Ngọc Tiến phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Bích Nguyên
Khai mạc hội thảo, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh “Để đảm bảo tiếp tục duy trì vững chắc những thành tựu về bình đẳng giới đã đạt được trong thời gian qua cũng như để ứng phó tốt hơn với những thách thức và các vấn đề giới nảy sinh trong giai đoạn tới, thì việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 là hết sức cần thiết”.
Việt Nam là một trong những quốc gia có cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW), Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và Chương trình nghị sự phát triển bền vững SDGs.
Mười năm trước, lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới để xác định những ưu tiên cần giải quyết nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong giai đoạn 2011-2020.
Trong gần mười năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được ghi nhận là đã đạt được các tiến bộ về bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với những tồn tại, thách thức do tác động của nền kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thiên tai, biến đổi khí hậu và sự thay đổi quy mô, cấu trúc dân số.
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Úc chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã cam kết xây dựng một Chiến lược quốc gia vì bình đẳng giới thiết thực và có mục tiêu thực tế. Ảnh: Hoàng Thảo
Điều này đặt ra những thách thức mới đòi hỏi xây dựng các chính sách và hành động cụ thể để duy trì những thành quả đang có và đồng thời giải quyết các vấn đề giới đang tồn tại cũng như các vấn đề giới nảy sinh trong giai đoạn tới. Sự nỗ lực này tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu Phát triển bền vững số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Tham dự hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kế hoạch hỗ trợ của các tổ chức và các bên liên quan và đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện báo cáo kĩ thuật chuẩn bị cho rà soát việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng “Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững và không thể thiếu đối với tất cả các khía cạnh đời sống kinh tế, xã hội. Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà là nền tảng cần thiết cho một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, phát triển toàn diện và bền vững".
Bà Elisa cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc vận động chính sách nhằm xây dựng cơ chế để đảm bảo tài chính cho các cam kết bình đẳng giới sẽ được thực thi và nguyên tắc Để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình xây dựng Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Theo Vụ Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 được xây dựng trên cơ sở: Xác định được các vấn đề bình đẳng giới trọng tâm và các giải pháp mang tính chiến lược trong giai đoạn 2021-2030; Đảm bảo phù hợp với pháp luật về bình đẳng giới và thực hiện hiệu quả SDGs và VSDGs, Công ước CEDAW và các cam kết quốc tế có liên quan khác.
Theo Bích Nguyên (bienphong.com.vn)