Kiểm soát an toàn thực phẩm dịp Tết: Giám sát chặt, ngăn chặn từ xa
Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang cận kề, bên cạnh việc cung ứng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu mua sắm Tết thì nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm lại trở thành vấn đề được cả xã hội đặc biệt quan tâm.
Thời điểm cuối năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao, nếu không kiểm soát tốt, tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ diễn biến phức tạp. Ngày 2.12, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP đã triển khai Kế hoạch công tác bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2020 trên địa bàn tỉnh, yêu cầu từ nay đến tháng 3.2020, tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.
Công tác kiểm soát chất lượng, đảm bảo ATTP thịt được chú trọng, đặc biệt thời điểm tỉnh ta vừa trải qua đợt dịch tả heo châu Phi.
Siết chặt thanh tra, kiểm tra
Ông Nguyễn Văn Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP cho biết: “Cơ quan chức năng sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Trong tháng 12.2019 có 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp tỉnh ra quân kiểm tra đồng loạt với sự tham gia của các Sở: Y tế, NN&PTNT, Công Thương, KH&CN, CA tỉnh và các đơn vị liên quan. Trọng tâm thanh tra là những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng. Riêng các đoàn kiểm tra cấp huyện, xã, thực hiện kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quản lý”.
Trong Kế hoạch công tác bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2020 trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, nhấn mạnh: Các đoàn thanh tra, kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý, hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật; tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả.
Ngành Công Thương dự báo, thời điểm cận và trong Tết Nguyên đán, sức mua trên thị trường với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng khoảng 15% - 20% so với các tháng thường. Công tác thanh tra, kiểm tra được ngành tập trung vào nhóm các sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và mùa lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, như: Bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả các loại… Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng cho hay: “Cùng với đó, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng. Kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh với sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng”.
Đến nay, công tác bảo đảm ATTP phục vụ Tết là vấn đề được các địa phương trong tỉnh đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu. Du lịch phát triển nóng kéo theo sự phát triển mạnh mẽ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, cà phê, giải khát… TP Quy Nhơn trở thành “điểm nóng” về ATTP phục vụ tết và mùa lễ hội sắp tới. Theo ông Đào Đô My, Trưởng Phòng Y tế thành phố, công tác kiểm tra sẽ quan tâm hơn đến các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ trong khu dân cư; chợ đầu mối, chợ vùng ngoại thành thành phố và cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà phê giải khát, các điểm, khu du lịch trên địa bàn Nhơn Lý, Nhơn Hải, khu phố ẩm thực Quy Nhơn tại đường Ngô Văn Sở, các nhà hàng ăn uống dọc tuyến đường Xuân Diệu… cũng đều trong “tầm ngắm”.
Từ cuối tháng 12.2019, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến huyện, xã đều ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm phục vụ Tết.
Phấn đấu không có thực phẩm “bẩn”
Tết Nguyên đán năm nay diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương trong tỉnh vừa trải qua đợt dịch tả heo châu Phi, rất dễ xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung. Do đó, vấn đề đảm bảo ATTP đối với loại thực phẩm này được kiểm soát chặt chẽ, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ vận chuyển kinh doanh buôn bán các loại thịt không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thịt nhập lậu vào địa bàn thành phố. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Tiến Dũng, công tác di dời các cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư vào nhà máy giết mổ động vật tập trung tại phường Nhơn Bình được triển khai mạnh. Đến nay, đã phối hợp các địa phương vận động, tháo dỡ 27 lò giết mổ gia súc thủ công tại nhà. Đồng thời, phối hợp Sở NN&PTNT đôn đốc tiến độ và giải quyết những vướng mắc trong quá trình xây dựng nhà máy giết mổ động vật tập trung tại phường Trần Quang Diệu sớm đi vào hoạt động.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho biết, Chi cục đang phối hợp các trung tâm dịch vụ nông nghiệp địa phương kiểm tra hoạt động quản lý kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm; quản lý chặt nguồn thịt cung ứng thị trường, kiểm soát tình trạng heo, bò bị bơm nước, dùng các chất an thần, tạo nạc salbutamol. Thời điểm cận Tết, nhu cầu tăng cao, việc quản lý và kiểm soát nguồn thịt càng phải được tăng cường, nhằm cắt nguồn sản phẩm không đảm bảo ATTP.
Để tăng cường nguồn thực phẩm đảm bảo ATTP phục vụ người dân dịp Tết, đến nay các sở, ngành cũng đã xây dựng các mô hình chợ ATTP tại chợ Đầm (Quy Nhơn), chợ Tam Quan (Hoài Nhơn). Riêng Quy Nhơn, xây dựng các mô hình về ATTP như phố ẩm thực tại phường Trần Phú, phường Lê Lợi và xã Nhơn Lý; các tuyến phố ẩm thực Ngô Văn Sở, Xuân Diệu, Đô Đốc Bảo; chợ khu 6, khu chợ đêm…
THU HIỀN