Hoạt động khuyến công: Chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn
Những năm gần đây, hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp ở Bình Ðịnh ngày càng phát triển. Ðáng lưu ý, hiện Sở Công Thương và các địa phương đang tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh.
Sản xuất lưới B40 tại hộ kinh doanh Từ Duy Thạch.
Đến thôn Lộc Khánh, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát hỏi thăm bà Trần Thị Công, chủ hộ kinh doanh Hiệp Công hầu như ai cũng biết. Bởi lẽ, Hiệp Công là một trong những cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hoành tráng nhất ở xã Cát Hưng. Bà Công cho biết: Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), đầu năm 2019, chúng tôi tham gia đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ” và được đầu tư 1 máy CNC đục tượng. Đây là máy đục tượng cỡ lớn, thuộc dòng máy đa năng kết hợp giữa máy 3D + 4D. Tổng vốn đầu tư là 462 triệu đồng, trong đó phần được hỗ trợ là 200 triệu đồng. Nhờ tham gia đề án, cơ sở Hiệp Công đạt công suất 1.200 sản phẩm/năm, tăng gấp đôi sản xuất thủ công; lợi nhuận đạt 600 triệu đồng/năm.
Còn theo ông Từ Duy Thạch, trú tại xã An Hòa, huyện An Lão, gia đình ông được tham gia đề án khuyến công “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất lưới B40”. Theo đó, gia đình ông Thạch đầu tư 450 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy dệt lưới B40. Trong đó, ông Thạch được hỗ trợ 135 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công. Kết quả, với công suất nhà máy đạt 900 kg/ngày/6 giờ tương đương 270 nghìn kg/năm; doanh thu hàng năm khoảng 5,2 tỷ đồng/năm.
Có thể nói, thời gian qua hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Định, ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Cơ sở Hiệp Công và hộ kinh doanh Từ Duy Thạch chỉ là những “ví dụ điển hình” về hiệu quả hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhờ chương trình khuyến công, nhiều DN, cơ sở sản xuất trong tỉnh không chỉ vượt khó vươn lên mà còn “ăn nên, làm ra”. Ngoài 2 cơ sở vừa kể, có thể nhắc đến Công ty TNHH Thái An ở xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn) với đề án “Ứng dụng thiết bị đóng bao tự động trong sản xuất phân bón hữu cơ” đã sinh lãi khoảng 60 triệu đồng/năm; hay như cơ sở Công Chính ở xã Cát Tài (huyện Phù Cát), nhờ đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào chế biến dầu ăn tinh khiết từ đậu phụng” đã đạt doanh thu trên 2,44 tỷ đồng/năm và lãi trước thuế 460 triệu đồng/năm…
Tuy nhiên, hoạt động khuyến công không phải là không có khó khăn. Theo ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, bên cạnh việc đội ngũ cán bộ quá mỏng là tình trạng nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất, nhất là khu vực nông thôn còn lúng túng trong việc thực hiện lập hồ sơ đề án. Nói về vấn đề này, ông Võ Mai Hưng cho biết: Trên cơ sở kết quả của hoạt động thời gian qua, Sở Công Thương đã xác định sẽ tiếp tục phát huy vai trò của công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, chú trọng hỗ trợ các DN nhỏ và vừa ở khu vực nông thôn; nhất là hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh… Tiêu biểu trong số này là các đề án: “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất cửa nhôm Xingfa định hình cao cấp” (thực hiện tại Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Anh Nguyễn ở thị trấn tuy Phước, huyện Tuy Phước); “Hỗ trợ ứng dụng dây chuyền lò sấy công nghệ mới vào sấy lúa giống và nông sản” (tại HTXNN Phước Thắng, huyện Tuy Phước và tại xã Nhơn Hạnh, TX An Nhơn).
VIẾT HIỀN