Một câu hỏi còn bỏ ngỏ
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ngày 20.11 có đến bốn đại biểu chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình về số cán bộ công chức (CBCC) không làm được việc. Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) hỏi: “Bộ trưởng có thay đổi ý kiến về kết luận là chỉ có 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ? Bộ có tính chuyện điều tra dư luận về con số 30% mà Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nêu để dư luận xã hội yên tâm không? Vì cả hai ý kiến này đều không làm yên lòng cử tri, kể cả số nhiều, số ít”.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình không đi thẳng vào trả lời mà viện dẫn từ quyết định của Bộ Chính trị, nghị định của Chính phủ, đến Luật công chức viên chức sau đó mới gút lại: “Số liệu vừa qua chúng tôi báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội là số liệu tập hợp của các bộ, ngành trung ương. Còn quan điểm của Bộ Nội vụ thì phải có kế hoạch, có lộ trình để tạo sự thống nhất trong tỉ lệ phần trăm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.
Như vậy câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, chưa biết đến khi nào mới được trả lời thỏa đáng trước các đại biểu của dân. Tuy chưa có con số cụ thể nhưng điều ai cũng nhìn thấy là một bộ phận không ít cán bộ công chức không đáp ứng yêu cầu công việc; nhiều người làm việc kém hiệu quả, thiếu nhiệt tình, “chân ngoài dài hơn chân trong”. Bằng cấp, chứng chỉ tăng, nhưng chất lượng thật sự của CB,CC lại đang là vấn đề đáng lo ngại. Một bộ phận suy thoái phẩm chất, đạo đức, tham nhũng, cửa quyền, thiếu ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ, vô cảm trước yêu cầu của người dân. Sự giáo điều, máy móc đến khô cứng trong giải quyết công việc của dân ở một bộ phận không nhỏ CB,CC hiện nay cũng đang làm cho họ ngày càng trở nên thụ động và bất lực trước những biến đổi nhanh chóng của xã hội.
Từ ngày 1.1.2010, Luật Cán bộ công chức chính thức có hiệu lực. Theo đó, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là quy định: cán bộ, công chức hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì bị cho thôi làm nhiệm vụ. Nhưng từ đó đến nay chưa nghe nói có trường họp nào bị cho thôi làm nhiệm vụ. Cũng dễ hiểu thôi, việc sàng lọc đội ngũ cán bộ công chức hiện không phải là chuyện đơn giản. Những căn cứ để xem xét đánh giá công chức xem ra vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng; sự dễ dãi, nể nang, né tránh vẫn còn ăn sâu, bám rễ trong nhiều cơ quan, đơn vị. Cứ nhìn vào kết quả thi đua, khen thưởng cuối năm thì rõ; đơn vị nào cũng 80-90% chiến sỹ thi đua, lao động tiên tiến, có đơn vị là 100%, khác xa những gì mà người dân đánh giá.
Hy vọng những nghịch lý liên quan đến CB,CC rồi sẽ được giải tỏa. Những người có trách nhiệm sẽ phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy được nguyên nhân dẫn đến thực trạng công chức nước nhà. Để rồi sẽ không tự dối với mình trước những sự thật không thể né tránh, hiện diện quanh ta mỗi ngày. Tìm được nguyên nhân đích thực sẽ có lời giải xác đáng.
Để xây dựng đội ngũ CBCC có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế, thiết nghĩ cần phải xác định rõ vị trí, cơ cấu và tiêu chuẩn chức danh công chức trong từng cơ quan của nhà nước để làm căn cứ tuyển dụng và bố trí sử dụng. Thông qua việc đánh giá, phân loại CB,CC, cần xác định rõ những người đủ và không đủ tiêu chuẩn, kiên quyết đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy. Cũng cần đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; chấm dứt bệnh thành tích, khen thưởng tràn lan, đánh đồng mọi người, không còn phân biệt đâu là người tốt, kẻ xấu; đâu là người giỏi, kẻ dở.
Công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước để thực thi những công việc mang tính công vụ trong các cơ quan công quyền. Đối với một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” như nhà nước ta thì rõ ràng, những người làm trong bộ máy nhà nước phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Từ đó, bộ máy Nhà nước chúng ta sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh và chuyên nghiệp hơn, tiêu cực tham nhũng sẽ từng bước bị đẩy lùi. Sự chuyên nghiệp, trong sạch của họ là nền tảng của một bộ máy nhà nước vững mạnh. Chính vì vậy, trong chủ trương cải cách hành chính, việc đổi mới, nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm và đạo đức CB,CC luôn phải được chú trọng. Bởi vì, dù thể chế có hoàn chỉnh đến mấy, bộ máy có tinh gọn, sắp xếp hợp lý đến mấy mà người thực hiện không đủ phẩm chất, năng lực thì cũng không đạt được mục tiêu đề ra.
Ngọc Minh