Nghệ thuật sử dụng mạng xã hội
Sử dụng mạng xã hội cần phải có nghệ thuật, đó xem như là kỹ năng để xây dựng được hình ảnh cá nhân ấn tượng…
Mạng ảo thôi mà (!?)
Mới đây, một thành viên Facebook người Nhật đã cho rằng: “Những cô gái Việt Nam khi lên mạng xã hội toàn chia sẻ về đồ ăn, quần áo và những cuộc mua sắm chứ không hề có những quan điểm về xã hội”.
Câu chuyện này gây “bão” cộng đồng mạng với nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng không ít người đã thừa nhận, phản ánh này hoàn toàn đúng với thực tế của đa số thành viên cộng đồng thế giới ảo. Nếu như biết cách xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội thì đã không phải nhận lời nhận xét trên.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt và thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, thầy giáo có trên 561.000 người yêu thích trên Facebook, cũng thẳng thắn: không phải bạn trẻ nào cũng biết đến kỹ năng này.
Một khảo sát thú vị dành cho học sinh, sinh viên - những người chiếm số đông trong thành viên của các trang mạng xã hội hiện nay như: Google Plus, Tamtay.vn, Twitter, YuMe, Zing Me và đặc biệt là Facebook. Hầu hết họ đều không biết kỹ năng xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội là gì.
Thậm chí có bạn trẻ nói tỉnh bơ: “Mạng ảo thôi mà, xài sao thì tùy thích mỗi người” như chia sẻ của Quốc Hưng, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM. Hay Quỳnh Thanh, học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cũng bảo: “Sử dụng mạng xã hội sao đòi hỏi kỹ năng phức tạp”…
Là kỹ năng quan trọng
Nhưng thực tế, theo ông Hiếu, kỹ năng này rất quan trọng. “Khi tuyển dụng các công ty thường dựa vào phẩm chất đạo đức của người xin việc trên mạng xã hội; là kênh tham khảo khi xét chọn học bổng. Mọi người thường đánh giá người khác qua trang cá nhân. Nghĩa là mạng xã hội tác động đến hình ảnh mỗi người, nếu biết cách xây dựng hình ảnh có thể tự tạo ra nhiều cơ hội cho bản thân”, ông Hiếu nói.
Để xây dựng và thể hiện hình ảnh bản thân ấn tượng, nổi bật đối với hàng triệu người trên mạng xã hội không khó.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An hiến kế với giới trẻ đã và đang tham gia các mạng xã hội, hãy loại bỏ những “điểm trừ” thường mắc phải như: Tham gia những hội hoặc nhóm có nội dung không lành mạnh; Viết tắt quá nhiều, viết sai chính tả, viết không dấu chứng tỏ là người không cẩn thận, hời hợt và không nghiêm túc; Nói xấu người khác hoặc văng tục một cách vô tư trên mạng xã hội thể hiện một nền tảng văn hóa yếu kém của cá nhân… Đồng thời phát huy thêm những “điểm cộng”, đặc biệt là hình ảnh, thông tin về việc tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện vì cộng đồng.
Không ít thành viên có thói quen đặt tên trang cá nhân cũng như để ảnh đại diện không liên quan đến bản thân. Ông An cho rằng đây là sai lầm. “Bởi để tên thật, ảnh “chính chủ” sẽ không chỉ khiến bạn bè dễ tìm kiếm hơn mà mọi người nhìn vào dễ thiện cảm hơn. Đây cũng chính là tiêu chí yêu cầu của đa số mạng xã hội khi đăng ký”, ông An nói.
Nếu như một phát ngôn, một hành động ở đời thật chỉ vài người nghe thấy, nhưng trên mạng xã hội có thể khiến hàng triệu người biết đến. Vậy nên thể hiện cảm xúc, bình luận hay yêu thích một điều gì đó cũng cần có nghệ thuật để hoàn thiện kỹ năng xây dựng hình ảnh bản thân.
Một vài “bí kíp” có thể khiến hình ảnh bạn đẹp và ấn tượng hơn trong mắt mọi người như không nên để trang cá nhân ảm đạm bằng những trạng thái u sầu mà biết cách kiểm soát và quản lý cảm xúc chứ đừng quá vô tư thể hiện cảm xúc tiêu cực nhất thời. Ấn like có chọn lọc. Bình luận có duyên, có văn hóa. Đăng ảnh tạo được cảm xúc với người xem, chuyển tải những thông điệp hay trong cuộc sống. Không đánh dấu người khác vào những ứng dụng vô bổ…
. Theo Nguyễn Thanh Nam (TTO)