QUY ÐỊNH MỚI VỀ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN PHÙ HỢP VỚI TRẺ EM:
Tạo môi trường tốt nhất cho trẻ em phát triển
2019 là năm đầu tiên thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 06/QÐ-TTg ban hành ngày 3.1.2019 của Thủ tướng Chính phủ, thay thế Quyết định số 34 (năm 2014). Quyết định mới đã sửa đổi, bổ sung một số điều phù hợp với thực tiễn và quy định của Luật Trẻ em.
Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là xây dựng môi trường để mọi trẻ em đều được hưởng các quyền của mình, phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội. Kết quả thực hiện xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành mục tiêu về trẻ em trong các giai đoạn phát triển KT-XH của địa phương.
Trẻ em Trường mẫu giáo xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) trong giờ chơi.
6 điểm mới
Theo tài liệu hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, Quyết định số 06 có 6 điểm mới so với quy định ra đời 5 năm trước. Theo đó, xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em phải đạt đủ 13 tiêu chí, số điểm 800, 850 và 900 trở lên (cho 3 nhóm xã, phường, thị trấn theo các khu vực) và không có tiêu chí nào bị 0 điểm.
Một số tiêu chí có sửa đổi. Cụ thể, tiêu chí 1: “Nguồn lực thực hiện quyền trẻ em” để phù hợp với quy định của Luật Trẻ em; giúp cho việc thu thập, đánh giá đơn giản, chính xác. Tiêu chí 3: “Trẻ em bị xâm hại” (ghép tiêu chí 3 và 4 ở Quyết định số 34) để phù hợp với quy định của Luật Trẻ em. Tiêu chí 8: “Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi”, để các địa phương quan tâm giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi nhằm đạt mục tiêu phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, nâng chất lượng giống nòi. Tiêu chí 9: “Trẻ em được khám sức khỏe định kỳ” để phù hợp với quy định của Luật Trẻ em. Tiêu chí 11: “Trẻ em được thực hiện quyền tham gia của trẻ em” để phù hợp với quy định của Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP. Tiêu chí 12: “Hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, TDTT dành cho trẻ em” nhằm thúc đẩy quyền vui chơi, giải trí và xây dựng các thiết chế văn hóa cho trẻ em.
Quy định mới bổ sung tiêu chí 13: “Mức độ hài lòng của trẻ em và người dân về việc thực hiện quyền trẻ em” để lấy ý kiến đánh giá khách quan, minh bạch của trẻ em, người dân về việc thực hiện quyền trẻ em tại địa phương.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (em Võ Văn Kiệt ở Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn) giao lưu tại chương trình tìm hiểu về Quyền trẻ em, dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, do Sở LĐ-TB&XH tổ chức ngày 3.12.2019.
100% xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em
Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được quan tâm, đầu tư, cùng với đó, việc thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đã đạt kết quả rõ nét. “Dấu mốc” là từ năm 2015, Bình Định đạt tỷ lệ 100% xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Trong đó, có 78 xã, phường, thị trấn giữ được thành tích 5 năm liên tục được công nhận.
Báo cáo và số liệu tổng hợp về thực hiện công tác trên những năm gần đây cho thấy, mức độ đáp ứng ở một số tiêu chí quan trọng (theo Quyết định số 34) rất đáng mừng. Năm 2017, ở tiêu chí 1, có 77/159 xã, phường, thị trấn đạt điểm tối đa là 75 điểm về mức độ chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền xã, phường, thị trấn đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Qua đó cho thấy chính quyền các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tỷ lệ trẻ em được hỗ trợ, chăm sóc ngày càng tăng. Hay tiêu chí 5: Tỷ suất trẻ em có các vấn đề xã hội (vi phạm pháp luật, nghiện ma túy), có 149/159 xã, phường, thị trấn không có trường hợp nào xảy ra. Tiêu chí 7: Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc, trong năm có 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp cận các hình thức hỗ trợ: Thăm hỏi và tặng quà, tặng học bổng, xe đạp, miễn giảm học phí, khám chữa bệnh miễn phí…
Theo Sở LĐ-TB&XH, tuy nhìn chung có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một vài địa phương chưa thực sự chú trọng và dành nguồn lực tương xứng cho các hoạt động về bảo vệ, chăm sóc trẻ, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, vẫn còn cách biệt về sự đầu tư và phát triển giữa trẻ em các vùng trong tỉnh, tình trạng vi phạm quyền trẻ em, trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tai nạn đuối nước... còn xảy ra. Do vậy, Quyết định số 06 với những sửa đổi, bổ sung, phù hợp với thực tiễn và quy định của Luật Trẻ em, chắc chắn sẽ tác động tích cực đến việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung trong tình hình mới.
SAO LY