Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt lợn gà
Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu một số mặt hàng thịt gà và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh, một số mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh… Theo Bộ này, người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc giảm thuế do giá sản phẩm giảm.
Bộ Tài chính vừa có công văn 14813/BTC-CST gửi xin ý kiến các Bộ, ngành lần thứ 4 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1.9.2016 về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo công văn này, mặt hàng thịt gà được Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh thuộc phân nhóm 2207.14 từ 20% xuống 18% (Mỹ đề nghị 14,5%). Trong khi đó, thuế suất mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng (0203.19.00) từ 25% xuống 22%.
Theo Bộ Tài chính, mặt hàng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gà thuộc phân nhóm 0207.14. Tại công văn ngày 8.11.2019, Đại sứ quán Mỹ kiến nghị giảm các mặt hàng thịt gà từ 20% xuống 14,5% trong năm 2020 và 0% vào năm 2028.
Qua số liệu thống kê so với năm 2018, lượng nhập khẩu thịt gà tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2019 nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay và theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn việc tăng lượng nhập khẩu xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân dịch tả lợn nên người dân chuyển sang tiêu dùng thịt gà.
Trong các nhóm hàng nông nghiệp, nhóm mặt hàng thịt gà là nhóm Việt Nam thực hiện bảo hộ cao, trong các Hiệp định thuế quan hoặc trong quá trình đàm phán, không cam kết cắt giảm hoặc nếu buộc phải cắt giảm sẽ vào giai đoạn cuối cùng khi thực hiện cam kết.
Do vậy, các Biểu thuế hiện hành cũng cơ bản giữ mức trần cam kết khi chưa đến thời gian cắt giảm cuối cùng do thịt gà là nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, kể cả theo thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam, đồng thời là mặt hàng của người nông dân, các gia đình, hộ dân đều có thể tăng gia sản xuất tại nhà nên qua đó góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Với mức thuế nhập khẩu 20% như hiện nay, giá gà nhập khẩu vẫn thấp hơn so với giá thành người dân sản xuất.
Căn cứ thông tin phân tích nêu trên, Bộ Tài chính dự kiến giảm mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh thuộc phân nhóm 2207.14 từ 20% xuống 18%. Mức thuế suất 18% tương ứng với mức cắt giảm năm thứ 1 trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đánh giá tác động của phương án, Bộ Tài chính cho biết, người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc giảm thuế do giá sản phẩm giảm. Trong trường hợp giảm thuế từ 20% xuống 18%, lấy theo kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường) năm 2018 thì dự kiến sẽ giảm thu khoảng 3 triệu USD, tương đương 69 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó với việc giảm thuế MFN, không chỉ Mỹ được hưởng mà thị trường Brazin, Ba Lan cũng được hưởng ưu đãi theo và qua đó cũng có thể dẫn đến sự gia tăng của hàng nhập khẩu không chỉ từ Mỹ, Brazin, Ba Lan mà còn có các thị trường khác chưa xuất khẩu vào Việt Nam.
Đối với mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh, Ủy ban Nông nghiệp Hoa Kỳ đề nghị giảm thuế nhập khẩu thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng (0203.19.00) từ 25% xuống 18,9% năm 2020 và 0% trong năm 2027.
Theo số liệu thống kê của Hội Chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt lợn và thứ 7 toàn cầu về số lợn giết mổ. Hiện nay trên cả nước vẫn còn 85% đàn lợn, lượng đàn lợn tiêu hủy chiếm khoảng 15%. Trường hợp thiếu thịt lợn, Việt Nam sẽ mở rộng quy mô tái đàn và bù đắp bằng gia tăng sản lượng bò, dê, gà. Việc tăng nhập khẩu thịt lợn, trong trung và dài hạn là chưa thể đoán định, nhưng trong ngắn hạn, chăn nuôi trong nước vẫn đáp ứng được. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với thịt lợn nhập khẩu, vẫn sử dụng thịt lợn sản xuất trong nước là chính.
Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế suất mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng (0203.19.00) từ 25% xuống 22%. Mức thuế suất này tiệm cận với mức thuế suất cắt giảm năm 2019 theo Hiệp định CPTPP là 21,6%, do Biểu thuế MFN không có mức thuế suất 21% nên quy định mức thuế suất 22%.
Đánh giá về tác động số thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay hầu như không có kim ngạch nhập khẩu áp dụng mức thuế MFN nên việc điều chỉnh thuế suất không ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc giảm thuế MFN dẫn đến lượng nhập khẩu tăng, qua đó có thể tăng thu ngân sách nhà nước.
Cũng tại công văn 14813/BTC-CST, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế đối với mặt hàng táo tươi (mã HS 0808.10.00), nho tươi (mã HS 0806.10.00) từ 10% xuống 8%.
Hiện nay, do thị hiếu ưa chuộng hoa quả nhập khẩu khiến lượng hoa quả nhập khẩu ngày càng tăng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong các tháng gần đây sản phẩm quả từ thị trường chủ lực Thái Lan có xu hướng giảm, trong khi đó, quả từ các thị trường như: Chile tăng 98%, Mỹ tăng 90% và Hàn Quốc tăng 83%. Qua đó cho thấy việc gia tăng trái cây nhập khẩu từ các nước ngoài Hiệp định thương mại tự do (FTA) không phải phụ thuộc vào thuế nhập khẩu mà phụ thuộc vào thị hiếu của người tiêu dùng. Với mức giá dao động từ 50.000 – 200.000 đồng/kg táo, nho thì sản phẩm này tương đối phù hợp với nhiều người tiêu dùng Việt Nam.
Đối với mặt hàng táo tươi, nho tươi, Đại sứ quán Mỹ cũng đề nghị giảm thuế MFN từ 10% xuống 0% vào năm 2020. Tuy nhiên, Bộ Tài chính dự kiến trước mắt giảm thuế như mức đề xuất trên.
Đánh giá tác động của phương án giảm thuế này, Bộ Tài chính cho biết, trong trường hợp giảm thuế nhập khẩu từ 10% xuống 8%, lấy theo kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN năm 2018 thì dự kiến giảm thu ngân sách là 3,7 triệu USD, tương đương 69 tỷ đồng/năm.
Theo Thanh Hằng (Chinhphu.vn)