Một nông dân xuất sắc
Tỷ phú nông dân Nguyễn Ngọc Sang (SN 1971) ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, được nhân dân vô cùng cảm phục bởi hành trình vượt khó, đi lên làm giàu chính đáng từ việc nuôi heo, gà. Vừa qua, ông được Trung ương Hội Nông dân Việt nam trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”.
Anh Sang đang chăm đàn heo tại trang trại.
Danh hiệu này do Hội đồng bình chọn chung khảo gồm các ban, bộ, ngành Trung ương và đại diện các nhà khoa học, DN đã bầu chọn ra được 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu, trong 147 ứng viên từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Anh Nguyễn Ngọc Sang là nông dân duy nhất của Bình Định được vinh dự nhận danh hiệu này.
Anh Sang tiếp chúng tôi tại ngôi nhà vừa mới xây dựng khá khang trang. Ấn tượng ban đầu khi gặp anh là sự gần gũi, cởi mở, chân chất của người nông dân. Thế nhưng, khi được trò chuyện về cách làm giàu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và khâm phục ý chí của anh. Anh kể, bản thân sinh ra trong gia đình nông dân nghèo khó, năm 1991 anh lập gia đình, tài sản chung của 2 vợ chồng chỉ được 1 chỉ vàng. Vợ chồng anh lấy số tiền này mua một con nghé với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, nhưng chỉ vài ngày sau, con nghé bất ngờ đổ bệnh và chết.
Sau đó, cuộc sống gia đình lâm cảnh thiếu trước hụt sau, vợ chồng quyết định phải tạm sống xa nhau thời gian để kiếm tiền nuôi 3 đứa con đang độ tuổi ăn học. Vợ anh phải lặn lội vào Nam bán hàng rong, kiếm tiền gửi về trang trải cuộc sống, còn anh ở nhà trông nom con cái và cần mẫn làm thợ mộc. “Được một thời gian, sau nhiều đêm trằn trọc, nghĩ thương vợ làm ăn nơi đất khách quê người nên tôi quyết định khuyên vợ về, sướng khổ có nhau. Thế là, vợ tôi gật đầu đồng ý”, anh Sang chia sẻ.
Bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp, năm 2000, dành dụm được số vốn ít ỏi, vợ chồng anh Sang mua được 3 ha đất ở thôn Tùng Chánh trị giá một cây vàng, nuôi 500 con gà, kết quả thu được 23 triệu đồng nên mạnh dạn đầu tư nuôi lứa tiếp theo với 3.000 con. Thế nhưng, lần này thất bại vì lúc bấy giờ gà nuôi công nghiệp bán không được giá, khiến anh lỗ gấp 3 lần số tiền lãi ban đầu.
Vợ chồng anh vẫn không nản chí mà quyết tâm làm cho được. Lần này được Hội Nông dân huyện Phù Cát tập huấn về kỹ năng chăn nuôi, Hội Nông dân xã Cát Hiệp hướng dẫn vay vốn ngân hàng, anh bắt tay vào việc trồng điều, nuôi gà, heo. Năm 2013, vợ chồng anh quyết định đầu tư trang trại quy mô lớn với số tiền gần 4 tỷ đồng để tập trung nuôi heo. Nhiều năm liền sau đó, giá heo liên tục giảm, gia đình anh lại bị thua lỗ đến 3 tỷ đồng. Sau trận thua lỗ lớn này, tưởng chừng không thể gượng dậy được, nhưng vợ chồng anh vẫn không bỏ cuộc. Anh được Hội Nông dân huyện, xã tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật, vay vốn ngân hàng, quan tâm việc áp dụng KHKT, đề phòng bệnh cho vật nuôi. Sau nhiều năm gây dựng lại, năm 2018, trang trại của anh Sang nuôi gà ta theo hình thức kết hợp giữa nuôi nhốt và nuôi thả, cho ăn thức ăn công nghiệp, mỗi lứa anh nuôi 3.000 con (9.000 con/năm).
Đối với đàn heo, anh nuôi 1.000 heo thịt/lứa (3.000 con heo thịt/năm) và 130 con heo nái để lấy giống. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 3,6 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gia đình anh còn chia sẻ kinh nghiệm làm giàu từ chăn nuôi cho các nông dân khác học hỏi, mỗi năm giúp 12 hộ thoát nghèo.
Nói về định hướng phát triển trang trại của anh trong tương lai, anh Sang cho biết hiện 3 ha đất của anh mới sử dụng một nửa, thời gian đến anh sẽ xây dựng thêm chuồng trại, tăng số đàn heo từ 1.000 con lên 2.000 con/lứa; heo nái từ 130 con lên 400 con để phát triển đàn với quy trình khép kín, phòng tránh dịch bệnh.
Ông Phạm Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Cát, cho biết với sự cần cù, mạnh dạn, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, hội viên Nguyễn Ngọc Sang là một tấm gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Hơn nữa anh còn biết lắng nghe, học hỏi, giúp đỡ những người dân xung quanh cùng vươn lên thoát nghèo.
VĂN LƯU