Hội Võ thuật TX An Nhơn: Tiếp tục gầy dựng phong trào
Cuối tuần qua, lần đầu tiên sau nhiều năm vắng bóng, Hội Võ thuật TX An Nhơn mở lớp tập huấn nội dung đối kháng võ cổ truyền, đặc biệt có hướng dẫn kỹ thuật đánh chỏ, đòn gối đặc sắc. Nội dung này nằm trong chuỗi hoạt động tiếp tục gầy dựng phong trào luyện tập võ cổ truyền.
Võ sư Lê Thanh Tùng (đứng sau) theo dõi học viên tập luyện vào sáng 8.12.
Sau Đại hội Hội Võ thuật TX An Nhơn nhiệm kỳ 2019 - 2024 được tổ chức cách đây 6 tháng, Ban chấp hành Hội đã từng bước tổ chức các hoạt động thiết thực tập trung vào gầy dựng phong trào võ cổ truyền phát triển hơn, trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống võ cổ truyền là môn thể thao thế mạnh của thị xã. Hiện có 26/28 võ đường, CLB trên địa bàn thị xã truyền dạy võ cổ truyền, với hơn 50 võ sư, chuẩn võ sư, HLV, cùng đông đảo võ sinh tập luyện hằng ngày.
“Từ hiệu quả của lớp tập huấn nội dung đối kháng võ cổ truyền dành cho võ sư, HLV, thời gian tới Hội Võ thuật TX An Nhơn sẽ mở lớp tập huấn dành riêng cho lực lượng võ sĩ thi đấu đối kháng. Ðồng thời Hội sẽ tiếp tục quan tâm khuyến khích, hỗ trợ để có thể mở thêm nhiều điểm truyền dạy võ cổ truyền trên địa bàn thị xã”.
Chủ tịch Hội Võ thuật TX An Nhơn NGUYỄN ÐỨC THẮNG
Võ sư Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Hội Võ thuật TX An Nhơn, chia sẻ: “Ngày 10.10.2019, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam ban hành Quyết định số 128 về Quy chế quản lý chuyên môn, trong đó bổ sung nội dung thi đấu đối kháng võ cổ truyền, trong tương lai sẽ cho dùng đòn chỏ, gối trở lại theo lộ trình khi nghiên cứu được cách thức áp dụng phù hợp trong thi đấu và hoàn thiện về các thủ tục liên quan theo quy định. Các đòn chỏ, gối có hiệu lực rất mạnh trong thi đấu tuy nhiên đòi hỏi người dùng phải có trình độ cao. Nhằm chủ động đón trước, Hội Võ thuật TX An Nhơn đã đưa nội dung này vào một trong các phần trọng tâm của chương trình tập huấn nội dung đối kháng võ cổ truyền cho võ sư, HLV”.
Tham gia hướng dẫn trong lớp tập huấn có Đại võ sư Lý Thành Nhân (73 tuổi, ở phường Đập Đá, TX An Nhơn), người có nhiều kinh nghiệm thi đấu võ đài, có nhiều học trò giỏi; võ sư Lê Thanh Tùng (70 tuổi, đang sống ở Phú Yên), trước năm 1975 là võ sĩ “độc cô cầu bại” ở miền Nam, được mệnh danh là “thần cước” với những đòn chân hết sức lợi hại. “Võ cổ truyền Bình Định có kỹ thuật đánh chỏ, gối rất đặc sắc. Cách đây 25 năm, khi đòn chỏ, gối bị cấm sử dụng trong Luật thi đấu võ cổ truyền Việt Nam, các thầy ở An Nhơn nói riêng và trong tỉnh nói chung từ ít dần đến không còn truyền dạy các đòn đánh này cho học trò, dẫn đến bị mai một. Do đó, chúng tôi rất phấn khởi khi lần đầu tiên ở TX An Nhơn có lớp tập huấn để tham gia hướng dẫn, chia sẻ lại kinh nghiệm thực chiến đánh tự do nói chung và những đòn chỏ, gối nói riêng ở giai đoạn trước đó đã được áp dụng nhiều trên sàn đài” - võ sư Lê Thanh Tùng phấn khởi cho biết.
Lớp tập huấn trong hai ngày (7 - 8.12) đã thu hút nhiều võ sư, chuẩn võ sư, HLV ở các phường, xã hào hứng tham gia. Trong số này, có các võ sư lớn tuổi là “con nhà tông” trong gia đình có truyền thống võ học nổi tiếng của võ cổ truyền Bình Định, cho thấy tinh thần không ngừng học hỏi của họ để truyền dạy được nhiều và tốt hơn cho học trò, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của phong trào luyện tập võ cổ truyền trên địa bàn TX An Nhơn. Học viên đã tiếp nhận được thêm những kiến thức bổ ích từ các thầy, như căn bản công pháp thực chiến (bộ thủ, bộ cước, bộ gối, bộ chỏ), đòn thực chiến, phương pháp huấn luyện võ thực chiến (đòn phối hợp tay chân để đánh chỏ, gối), kinh nghiệm thực chiến (cách giữ khoảng cách trước đối thủ, sử dụng đòn đánh hiệu quả trong các trường hợp, lừa đối thủ để thực hiện đòn theo ý đồ, kinh nghiệm nhắc đòn võ sĩ khi thi đấu)...
Chuẩn võ sư Đức Toàn (26 tuổi) chia sẻ: “Các thầy rất tận tình truyền dạy lại kỹ thuật, nhiều kinh nghiệm chiến đấu trên sàn đài rất hay, quý báu nhất là đối với thế hệ trẻ chúng tôi. Trong đó, có những đòn chỏ, gối lợi hại mà hồi giờ tôi chưa được luyện tập. Tôi sẽ áp dụng những gì được tập huấn để truyền dạy cho học trò chuyên về đối kháng ở võ đường tại xã Nhơn Thọ”.
HOÀI THU