AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT:
Ý thức tuân thủ quy định của người dân chưa cao
Qua số liệu thống kê của ngành chức năng cho thấy, từ đầu năm đến nay, TNGT đường sắt giảm, song có đến 90% số vụ tai nạn xảy ra do người dân chủ quan, không tuân thủ các quy định ATGT đường sắt.
Dù đèn tín hiệu đã bật đỏ, cần chắn tự động đã được hạ xuống nhưng người tham gia giao thông vẫn cố tình vượt qua, khiến nguy cơ xảy ra TNGT rất cao.
Theo đó, cả 3 vụ TNGT đường sắt xảy ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đều xuất phát từ nguyên nhân này. Đơn cử vụ TNGT xảy ra tại km 1122+300, làng Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh; thời điểm tai nạn xảy ra, cần chắn tự động tại điểm giao cắt đã hạ xuống nhưng V.T.L. (SN 2002, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh) vẫn cứ băng qua. Hay tại km 1009+520 (thôn Tài Lương 3, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn), tai nạn xảy ra khiến 1 người tử vong cũng xuất phát từ sự không tuân thủ tín hiệu đèn, còi thông báo tàu đang đến của người tham gia giao thông.
Đi thực tế hiện trường các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, không khó để chứng kiến cảnh người dân vô tư tản bộ ngay trên đường ray xe lửa. Chưa kể, vẫn còn phổ biến tình trạng người dân tự ý xây dựng công trình nhà xưởng, làm đường bê tông trong hành lang ATGT đường sắt, song chính quyền địa phương chậm xử lý. Tuyến đường sắt đi qua huyện Hoài Nhơn có chiều dài khoảng 30 km nhưng có đến 16 điểm lấn chiếm đất đường sắt và hành lang ATGT đường sắt. Cụ thể, tại lý trình km 1012+400, tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua thôn An Dưỡng 2, xã Hoài Tân, gia đình ông Huỳnh Văn T. đã ngang nhiên xây dựng công trình nhà ở, lấn chiếm phạm vi an toàn đường sắt gần 3 m, dài 15,5 m; thậm chí ông này còn san lấp miệng cống thoát nước, làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Ngành chức năng đã nhiều lần làm việc, lập biên bản vi phạm, yêu cầu phải tháo dỡ công trình, song chủ nhà vẫn cố tình làm ngơ.
Theo trung tá Đỗ Thanh Bình, Đội trưởng Đội CSGT đường sắt, Phòng CSGT CA tỉnh: “Cơ sở hạ tầng giao thông đường sắt hiện nay còn nhiều bất cập, trong khi đó tốc độ chạy tàu tăng cao, có nơi đạt 80 - 90 km/h, đồng nghĩa với nguy cơ TNGT đường sắt tiềm ẩn. Do vậy, bên cạnh việc ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền kết hợp nhắc nhở và xử lý nghiêm những vi phạm thì người dân khi đi qua đường bộ giao cắt với đường sắt phải tuyệt đối chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ và Luật Đường sắt. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần cương quyết xử lý dứt điểm những vi phạm hành lang ATGT đường sắt khi lực lượng chức năng phát hiện sai phạm đã kiến nghị, nhằm đảm bảo ATGT đường sắt và tránh xảy ra tình trạng phát sinh các trường hợp tự ý lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt”.
Được biết, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã tiến hành rào chắn thu hẹp lối đi và cắm biển chú ý tàu hỏa tại 128 lối đi dân sinh tự mở; nâng cấp 6 đường ngang phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động có cần chắn tự động, góp phần đảm bảo cho người tham gia giao thông qua lại đường sắt được an toàn. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là ý thức tự giác của mỗi người dân. Bởi khi người dân vẫn thiếu ý thức, cố tình vi phạm các quy định khi qua lại các đường ngang thì nguy cơ TNGT đường sắt vẫn có thể xảy ra.
K.ANH