Luật Giao thông đường bộ năm 2018: 164 văn bản hướng dẫn vẫn chưa rõ
Bộ Công an cho biết, nhiều nội dung quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa cụ thể và rõ ràng, dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau và để triển khai thực hiện được thì phải ban hành tới 164 văn bản dưới luật để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Trung bình một năm, các lực lượng chức năng xử lý trên 5 triệu trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông
Vừa gửi đến Bộ Tư pháp đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ xin ý kiến thẩm định, Bộ Công an lý giải, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh đồng thời 2 lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của cả 2 bộ (Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Công an), dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Nhiều nội dung quy định trong luật chưa cụ thể và rõ ràng, dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau và để triển khai thực hiện được thì phải ban hành tới 164 văn bản dưới luật để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Đơn cử là các quy định về tốc độ, khoảng cách xe cơ giới, về hệ thống báo hiệu đường bộ, về điều kiện tham gia giao thông của phương tiện, đăng ký, quản lý phương tiện, niên hạn sử dụng của phương tiện, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, giải quyết tai nạn giao thông, tuổi và sức khỏe của người lái xe…
Từ đó, thực tế đang có tình trạng “sức mạnh của luật không nằm trong luật mà phụ thuộc vào quy định của các văn bản dưới luật”, cơ quan trình dự thảo nhấn mạnh. Không chỉ đề nghị xây dựng luật này, theo Bộ Công an, tới đây cần có thêm luật về đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý hoạt động vận tải đường bộ.
Về nội dung Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an cho biết, luật quy định về tổ chức an toàn giao thông đường bộ (quy tắc tham gia giao thông; hệ thống báo hiệu); quản lý về an toàn của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (điều kiện sức khoẻ, độ tuổi, loại giấy phép lái xe; tổ chức đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; người nước ngoài điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam và ngược lại...); quản lý an toàn phương tiện; biện pháp tổ chức, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ và cuối cùng là nhóm quy định về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.
Đáng lưu ý, trong nhóm quy định quản lý về an toàn phương tiện tham gia giao thông, dự thảo luật đã bổ sung các quy định liên quan đến xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện, xe đạp điện, xe máy điện, xe tự chế, xe công nông, xe máy kéo, các loại phương tiện giao thông thông minh…
Quy định về kiểm soát khí thải đối với phương tiện giao thông và trách nhiệm của chủ phương tiện và người lái xe ô tô trong việc bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện để đảm bảo duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện cũng đã được bổ sung. Bên cạnh đó, lần đầu tiên, quy định về niên hạn sử dụng của xe mô tô, xe gắn máy sẽ được luật hóa.
Bộ Công an kiến nghị trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội đưa dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa 14; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2020).
Cung cấp thêm luận chứng đề nghị xây dựng luật, Bộ Công an cho biết, kể từ năm 2009 đến nay, trung bình mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người. Ước tính, tai nạn giao thông ở Việt Nam gây thiệt hại 2,5% GDP/năm, tương đương mỗi ngày 300-500 tỷ đồng. Về vi phạm, trung bình một năm các lực lượng chức năng xử lý trên 5 triệu trường hợp.
Đặc biệt, tình hình người tham gia giao thông coi thường pháp luật, không chấp hành, thậm chí chống lại người thi hành công vụ diễn ra nhiều, nhất là từ năm 1995 trở lại đây, các vụ chống người thi hành công vụ diễn ra thường xuyên và ngày càng manh động, phức tạp. Trong 10 năm (từ 2009 đến 2019), toàn quốc xảy ra 528 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, làm 7 chiến sĩ hy sinh, 166 chiến sĩ bị thương.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)