“Ba”, “đào” và “lãng”
Tương đương với sóng trong tiếng Việt, tiếng Hán có ba, đào, lãng. Cả ba đều thuộc bộ thủy (liên quan đến nước). Trong đó, ba có nghĩa là “sóng nhỏ”, đào là “sóng lớn, sóng cả” còn lãng là “sóng” nói chung.
Cả ba đều vào tiếng Việt. Tuy nhiên, chúng không tồn tại độc lập vì không đủ sức để thay thế từ sóng mà chỉ tham gia tạo từ trong một số tổ hợp như: ba đào (sóng to nói chung, chuyển nghĩa chỉ cảnh đời chìm nổi, gian truân), bôn ba (chạy vạy vất vả, bắt nguồn từ nghĩa gốc là “sóng nước chảy xiết”), phong ba (sóng gió), lãng du, lãng mạn, lãng tử, phóng lãng, phiêu lãng (đều mang nghĩa gốc là phóng túng, nay đây mai đó ví như sóng nước không cố định một nơi nào cả).
Nhiều người thắc mắc lò vi ba và lò vi sóng là hai đồ dùng khác nhau hay chỉ là một. Câu trả lời là một. Như đã biết, bên cạnh chỉ “hiện tượng mặt nước dao động”, sóng còn được dùng để chỉ “dao động truyền đi trong một môi trường” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1997, tr.832). Tiếng Hán dùng khái niệm ba (sóng nhỏ, phù hợp hơn so với lãng và đào) để chỉ nội hàm này. Chẳng hạn, âm ba là sóng âm, điện ba là sóng điện, quang ba là sóng ánh sáng. Như vậy, vi ba chính là vi sóng. Lò vi ba hay lò vi sóng là thiết bị nấu ăn bằng bằng các sóng điện từ bước dài, năng lượng nhỏ.
Những ai từng đọc, xem Kim Dung hẳn sẽ biết một tuyệt chiêu của nhân vật Đoàn Dự trong Thiên long bát bộ là lăng ba vi bộ, có thể hiểu là “lướt trên sóng như đi bộ”. Tên gọi này bắt nguồn từ các chiêu thức thanh thoát, uyển chuyển, linh hoạt của loại khinh công thượng thừa trên.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ