Cô giáo ở vùng cao
22 năm gắn bó với trẻ vùng cao, ngoài miệt mài nuôi dạy em thơ, cô giáo Văn Thị Xuân Nhi, giáo viên Trường mầm non An Lão (huyện An Lão) còn chia sẻ với đồng nghiệp những cách dạy hay, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Cô Nhi vui học cùng trẻ.
Cô giáo Xuân Nhi kể: Những ngày đầu đứng lớp, tôi gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ giao tiếp, nhiều người ít quan tâm đến chuyện học hành, nuôi dạy con em mình. Để giúp tôi làm quen với công việc, nhiều đồng nghiệp đi trước chỉ bày cặn kẽ cách trò chuyện với cha mẹ các cháu, phải đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để vận động phụ huynh đưa con đến lớp. Không chỉ nâng cao năng lực chuyên môn bằng cách tự học, tích cực dự các lớp tập huấn do ngành tổ chức, tôi còn nghiên cứu thêm tài liệu, tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số để có cách dạy cho phù hợp.
Chừng ấy năm gắn bó với trẻ, phần đông là người H’rê và Bana, nhưng điểm tích cực ở cô giáo Nhi là vẫn miệt mài, dành thời gian, tâm huyết của mình để tìm những phương pháp dạy học gần gũi giúp các em dễ hiểu, thích đến trường, đến lớp và mạnh dạn hơn. Bên cạnh đó, cô còn chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các đồng nghiệp, cùng đồng nghiệp tự làm đồ dùng dạy học.
Cô Nguyễn Thị Trâm, Hiệu trưởng Trường mầm non An Lão, nhận xét: “Cô Nhi rất vững trong chuyên môn, đặc biệt là ở phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm. Cô cũng tích cực chia sẻ về phương pháp, cách triển khai, thực hiện sao cho phù hợp với điều kiện, bản sắc văn hóa, học sinh của trường mình. Nhiều năm liền cô Nhi đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 2 lần nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT.
ĐỖ THẢO