Thực hiện chính sách hỗ trợ người dân miền núi, vùng cao: Tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững
Thời gian qua, Bình Định đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm từng bước thay đổi tập quán canh tác, tạo sinh kế, giúp đồng bào dân tộc thiểu số các xã miền núi, vùng cao giảm nghèo bền vững và vươn lên.
Nông dân xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh thu hoạch lúa lai.
Trợ lực
Nhiều năm qua, bà Đinh Thị Hoay, ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, sử dụng 2 sào đất để sản xuất lúa lai. Vụ sản xuất Đông Xuân 2019 - 2020, bà Hoay tiếp tục đăng ký với chính quyền địa phương về diện tích đất, nhu cầu lúa lai để tiếp tục sản xuất. “Lúa lai là giống mới, nên ban đầu khi chính quyền địa phương vận động đưa vào sản xuất, không riêng gì tôi mà nhiều người dân trong thôn cũng phân vân, lo ngại không đảm bảo kỹ thuật, hiệu quả không như sản xuất lúa thuần. Nhưng sau một vài vụ sản xuất, tôi thấy quy trình kỹ thuật đầu tư sản xuất lúa lai cũng không phức tạp như mình nghĩ, năng suất lại vượt trội, nên tôi chọn nó luôn”.
Theo Sở NN&PTNT, năm 2019, có 7.887 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số tại Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Tây Sơn đã được tỉnh hỗ trợ gần 123 tấn giống lúa lai để sản xuất trên 2.635 ha; năng suất đã đạt 60,2 tạ/ha, tăng 8,3 tạ/ha so với lúa thuần. Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), phân tích: “Chi phí sản xuất 1 ha lúa lai bình quân khoảng 14 triệu đồng, tăng khoảng 2 triệu đồng/ha so với lúa thuần nhưng thu nhập của người dân tăng trên 4 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng trên 3 triệu đồng. Về hiệu quả xã hội, sản xuất lúa lai đã giải quyết tốt vấn đề lương thực tại chỗ, góp phần hạn chế tình trạng phát rừng trồng lúa nương. Việc chuyển giao tiến bộ KHKT thâm canh lúa nước đã giúp người dân từng bước thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, từ đó tạo sinh kế, nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Chương trình hỗ trợ bò giống sinh sản cũng là một trong những chính sách thiết thực, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân ở khu vực miền núi, vùng cao và thực tế đã mang lại hiệu quả tích cực. Năm 2010, hộ anh Đinh Văn Ri, ở xã An Quang, huyện An Lão, đã được hỗ trợ một con bò cái nền sinh sản làm nguồn sinh kế. Nhờ đầu tư chăm sóc chu đáo, đến nay gia đình anh đã sở hữu đàn bò 5 con có giá trị cao. Anh Ri chia sẻ: “Đàn bò là tài sản lớn, là nguồn sinh kế lâu dài, bền vững nên tôi chăm dữ lắm!”.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, ngoài chính sách hỗ trợ lúa lai, bò giống, nhiều chủ trương, chính sách khác đã được ban hành và triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực tại các huyện trung du, miền núi, nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Riêng giai đoạn năm 2014 - 2019, có 29 danh mục chính sách, dự án, chương trình được Trung ương và tỉnh đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng số vốn trên 2.017 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, có trên 700 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân với tổng số vốn trên 2.000 tỷ đồng được thực thi; hàng trăm tỷ đồng cho đồng bào các dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất được giải quyết. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Diện mạo khu vực miền núi, vùng cao đã có những thay đổi căn bản.
Tiếp tục hỗ trợ nâng cao đời sống
Khách quan nhìn nhận, dù KT-XH ở khu vực miền núi, vùng cao đã có chuyển biến tích cực, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và chưa vững chắc. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề còn nhỏ, phát triển chậm; kết cấu hạ tầng tuy đã được tăng cường nhưng vẫn còn nhiều yếu kém; tỷ lệ hộ nghèo cao so với bình quân chung của tỉnh. Vì vậy, việc tiếp tục hỗ trợ về nhiều mặt nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân miền núi là cần thiết.
Bởi vậy, thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh thực hiện các Chương trình: 30a, 135, xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật cho người dân để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách của Nhà nước đến người nghèo và người dân tộc thiểu số; tăng nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay cho hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số có phương án phát triển sản xuất. Phấn đấu đến năm 2024, tăng thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số gấp 2,5 lần so với hiện nay; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm giảm 4 - 5%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn, 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với hiện nay.
PHẠM TIẾN SỸ