Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo: Nhiều việc cần làm
Khởi động từ năm 2016, đến thời điểm này, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định đã dần hình thành. Tuy nhiên, để phát triển hệ sinh thái này, nhiều chuyên gia cho rằng, còn là một chặng đường dài.
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần đầu diễn ra cuối tháng 11.2019 gây ấn tượng với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định giai đoạn 2019 - 2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt cuối tháng 8.2019. Đây là tin vui với cộng đồng người khởi nghiệp, bởi đề án đặt ra nhiều mục tiêu phát triển có kế hoạch bài bản hơn cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý, công tác đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được triển khai cho hơn 1.000 lượt cá nhân, doanh nhân; hỗ trợ hoạt động ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 100 ý tưởng; hình thành mạng lưới nhà tư vấn khởi nghiệp (khoảng 50 chuyên gia tư vấn) và mạng lưới các nhà đầu tư khởi nghiệp (khoảng 100 nhà đầu tư).
Ngoài ra, thông qua hệ thống cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chương trình ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động khởi nghiệp của tỉnh, sẽ tuyển chọn ít nhất 25 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu để hỗ trợ phát triển thành DN đổi mới sáng tạo, trong đó 20% DN có khả năng gọi vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Gắn bó với công tác tư vấn hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh trong nhiều năm nay, ông Lý Đình Quân - Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (TP Đà Nẵng) khẳng định, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là hướng đi đột phá cho phát triển kinh tế trung và dài hạn. Bởi thế, Bình Định cần có hệ thống hỗ trợ tạo dựng hiệu quả hệ sinh thái khởi nghiệp với sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị. Trong đó, một vấn đề quan trọng là việc đầu tư kinh phí phù hợp.
Đặc biệt, giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các trường ĐH, CĐ, THPT cần được ưu tiên để tạo “nguyên liệu”, “hạt giống” phát triển DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh... Bên cạnh đó là sự kết nối thông qua các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của các đơn vị liên quan, ngày càng chuyên sâu để nâng cao nhận thức và năng lực đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái quy mô cấp tỉnh. “Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất cần những người biết cách tổ chức, kiến tạo cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn đầu”, ông Quân trao đổi.
Từ thực tế xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các tỉnh, thành khác, các chuyên gia cho rằng, cần đánh giá được thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của địa phương dựa trên lợi thế và thế mạnh đặc thù của tỉnh và liên kết vùng. Bình Định có nhiều lợi thế về lịch sử, văn hóa, du lịch - đây là nguồn “nguyên liệu” để khởi nghiệp sáng tạo. Hơn nữa, cần lưu ý xây dựng mạng lưới chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Trong đó, phát huy và đẩy mạnh hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân và những cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp mà tỉnh đã xây dựng như Không gian khởi nghiệp sáng tạo (BIHUB).
Mới đây, tại ngày hội khởi nghiệp sáng tạo lần đầu tiên do tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Việt An - Phụ trách quản lý và hỗ trợ nhiệm vụ Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025 (còn gọi Đề án 844) thuộc Bộ KH&CN cho rằng, trong giai đoạn này, Bình Định cần xác định lực lượng ưu tiên hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài sinh viên, một nguồn lực khác cũng cần chú trọng là DN nhỏ và vừa, với khả năng chuyển mô hình hoạt động có tăng trưởng nhanh (hiệp hội, làng nghề). Quan trọng nhất là các cá nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương phải thực sự có quyết tâm và tâm huyết.
“Hãy tạo điều kiện mạnh mẽ hơn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ mới, tạo ra những DN khởi nghiệp mang tính chất đặc thù của tỉnh. Trong quá trình phát triển, trước hết ở câu chuyện chinh phục thị trường trong nước, đủ lực thì tính đến vươn tầm quốc tế”, ông An gợi mở.
NGỌC TÚ