Phần mềm kết nối dữ liệu quản lý, xử phạt vi phạm ATGT: Nhiều tiện ích!
Nếu trước đây, lái xe cố tình gian dối, giả báo mất để được cấp nhiều giấy phép lái xe (GPLX) nhằm sử dụng khi giấy phép bị tạm giữ, bị tước, thì nay những việc làm này đều bị phát hiện. Đây là tiện ích từ phần mềm kết nối dữ liệu quản lý, xử phạt vi phạm được Phòng CSGT (CA tỉnh) phối hợp với Cục CSGT áp dụng từ ngày 1.6.2019 đến nay.
Cán bộ Phòng CSGT, CA tỉnh đang nhập số liệu xử phạt vào phần mềm kết nối dữ liệu quản lý, xử phạt vi phạm ATGT.
Với phần mềm này CSGT chỉ cần nhập biển số của phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì tất cả kết quả các lỗi vi phạm trước đó đều hiển thị trên hệ thống. Phần mềm này còn được tích hợp với phần mềm tra cứu GPLX của Tổng cục Đường bộ Việt Nam giúp lực lượng CSGT các địa phương có thể tra cứu thông tin về GPLX vi phạm. Chính vì vậy, người vi phạm không thể “lách luật” bằng cách báo mất, xin cấp GPLX mới với cơ quan chức năng.
Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng Phòng CSGT (CA tỉnh), dẫn chứng: Một người điều khiển ô tô vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở tỉnh Bình Định nhưng không chấp hành nộp phạt mà vào TP Hồ Chí Minh báo mất để làm lại GPLX sẽ bị phát hiện ngay khi tra lên hệ thống dữ liệu này. Qua đó, những trường hợp vi phạm cố tình khai báo không trung thực trong việc xin cấp lại GPLX sẽ bị phát hiện, xử lý kịp thời. Số lần vi phạm, lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện cũng được lưu thông tin đầy đủ, nhờ đó hạn chế tiêu cực trong công tác xử lý của ngành chức năng. Chưa kể, GPLX của người vi phạm còn thời hạn tạm giữ hoặc bị tước nhưng khi vi phạm bị phát hiện có GPLX để tham gia giao thông sẽ có cơ sở truy cứu trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Tiện lợi khác, phần mềm còn hỗ trợ CSGT làm nhiệm vụ kiểm soát trên đường. Chẳng hạn, CSGT có thể tra cứu vào phần mềm bất cứ lúc nào để biết được lái xe có GPLX thật hay giả, nơi cấp, thời gian cấp, hạng GPLX được phép điều khiển phương tiện. Ngược lại, cơ quan cấp GPLX qua phần mềm cũng biết được tình trạng GPLX, bao nhiêu lần bị CSGT tạm giữ, bị xử lý vi phạm. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh của CSGT, dần thay đổi thói quen và suy nghĩ của người dân nếu không có CSGT trên đường thì vô tư vi phạm, từ đó giảm thiểu nguy cơ TNGT. “Thời gian tới, Phòng CSGT và các địa phương tiếp tục kiến nghị Cục CSGT mở rộng kết nối dữ liệu với trường hợp người vi phạm điều khiển xe mô tô, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực ATGT” trung tá Ngô Đức Hoài, cho hay.
ĐẠI NAM