Hiệu quả từ những con “tàu 67”
Sau 5 năm thực hiện, Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản tại Bình Ðịnh đã giúp ngư dân có điều kiện đóng mới tàu cá vỏ thép, tàu vỏ composite để nâng cao năng lực đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh, tăng hiệu quả kinh tế.
Vươn khơi hiệu quả
Cuối năm 2017, tàu cá vỏ thép làm nghề mành chụp số hiệu BĐ 99252-TS, trị giá 16,8 tỷ đồng của ngư dân Võ Thế Dư (ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát) được hạ thủy. Đến nay, qua 20 chuyến biển, tàu hoạt động hiệu quả, ông Dư có thu nhập để đều đặn trả nợ vay cho ngân hàng. Ông Dư chia sẻ: “Bao nhiêu tài sản của gia đình đều dồn vào con tàu vỏ thép này. Bình quân mỗi chuyến biển sau khi trừ tổn phí và chia cho bạn thuyền, tôi còn lãi 200 - 300 triệu đồng. Nhờ đó tôi có điều kiện trả nợ vay cho ngân hàng đều đặn, đến nay đã trả nợ được hơn 1,2 tỷ đồng”.
Tàu cá vỏ thép của ngư dân trong tỉnh chuẩn bị ra khơi.
Còn tàu vỏ thép BĐ 99119-TS, công suất 811 CV, làm nghề lưới rê của ngư dân Phan Lùn (xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn), được đóng mới và hạ thủy năm 2017, nhưng sau khi ra khơi được vài tháng thì tàu hỏng máy phải nằm bờ liên tục, phải mất thời gian dài để sửa chữa. Điều đáng mừng là ngay khi hoạt động trở lại, tàu ông Lùn đã đánh bắt tốt, có thu nhập khá. “Nếu không bị sự cố phải nằm bờ trong năm 2018 thì chắc chắn tàu tôi sẽ hoạt động hiệu quả. Sau khi ra khơi trở lại, tàu tôi đi hơn 10 chuyến biển, trong đó chuyến trúng nhất là khi hoạt động tại ngư trường miền Nam, mỗi phần bạn thu nhập hơn 20 triệu đồng. Đánh bắt có nên cũng đã gỡ gạc được phần nào khi tàu nằm bờ, giờ tôi cũng đã trả nợ cho ngân hàng được hơn 400 triệu đồng”.
Nhận thấy tàu cá vỏ composite của ngư dân tỉnh Khánh Hòa đóng mới hoạt động đạt hiệu quả cao, năm 2017, ngư dân Trương Hoài Đức (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) vay vốn theo Nghị định 67 đóng mới tàu cá vỏ composite. Tháng 8.2017, tàu cá composite số hiệu BĐ 99992-TS, công suất 822 CV, làm nghề lưới vây ánh sáng, trị giá 14,2 tỷ đồng bắt đầu ra khơi. Đến nay sau gần 30 chuyến biển đạt kết quả tốt, ông Đức trả nợ vay cho ngân hàng được hơn 1,3 tỷ đồng cả gốc và lãi vay. Ông Đức cho biết: “Tàu composite với nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại, độ bền giống như tàu vỏ thép, nhưng việc vận hành trên biển nhanh, tiết kiệm nhiên liệu hơn, chi phí làm nước cũng thấp hơn. Trung bình mỗi chuyến biển tàu tôi đánh bắt từ 15 - 20 tấn cá, mực, thu nhập mỗi phần bạn được 10 triệu đồng; có chuyến trúng biển được gần 50 tấn cá, mực, chia phần bạn được gần 30 triệu đồng/người”.
Ngư dân Võ Thế Dư (ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát) kiểm tra các thiết bị trên tàu cá vỏ thép của mình để chuẩn bị chuyến biển mới.
Trong số những con “tàu 67” của ngư dân trong tỉnh hoạt động có hiệu quả, còn có các tàu vỏ thép làm nghề mành chụp của ngư dân Nguyễn Ngọc Châu (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), Nông Thành Điền (xã Cát Thành, huyện Phù Cát), Lê Văn Chiều (xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn)…
Tiếp tục hỗ trợ ngư dân
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, trong số những con “tàu 67” vươn khơi khai thác thủy sản, có 82% tàu làm nghề mành chụp đánh bắt hiệu quả, 80% tàu làm nghề lưới rê, 43% tàu làm nghề lưới vây hoạt động có lãi; hoạt động kém hiệu quả nhất là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Về loại tàu, tàu cá vỏ composite hoạt động có hiệu quả cao nhất với 100% số tàu có lãi, 62% tàu cá vỏ thép có lãi và hoạt động kém hiệu quả nhất là tàu cá vỏ gỗ.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ, nhìn nhận: Các chính sách ban hành theo Nghị định 67 được thực hiện tại Bình Định đã góp phần thúc đẩy ngành Thủy sản của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản phát triển bền vững. Ngư dân có điều kiện đóng mới tàu cá có công suất lớn, hiện đại, đảm bảo hoạt động an toàn, vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tỉnh cũng đã thực hiện tốt các chính sách đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá… nhằm thực thi có hiệu quả Luật Thủy sản và các quy định gỡ “thẻ vàng” thủy sản.
“Với những vướng mắc về tàu cá vỏ thép không mua được bảo hiểm tàu cá, Sở NN&PTNT đã và đang tích cực tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương để gỡ vướng cho ngư dân. Đồng thời, chúng tôi cũng đang hướng dẫn các chủ “tàu 67” hoạt động kém hiệu quả xin chuyển đổi nghề. Riêng 3 tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần nghề cá đang nằm bờ vì hoạt động kém hiệu quả trong thời gian vừa qua cũng sẽ sớm xem xét, xử lý”, ông Hổ cho biết thêm.
● Toàn tỉnh có 61 chủ tàu được vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67; trong đó có 48 tàu vỏ thép, 8 tàu vỏ composite và 5 tàu vỏ gỗ. Trong số này, có 54/61 tàu hoạt động khai thác thủy sản, gồm: 36 tàu có lãi, 12 tàu hòa vốn, 6 tàu có hiệu quả thấp. Còn lại 7 tàu thì có 4 tàu bị chìm, 3 tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần nằm bờ.
● Phần lớn “tàu 67” của ngư dân Bình Ðịnh hoạt động hiệu quả, với những trường hợp chủ “tàu 67” hoạt động không hiệu quả và hoạt động có hiệu quả nhưng cố tình chây ì không trả nợ vay cho ngân hàng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với ngân hàng, các ngành liên quan, chính quyền các địa phương đánh giá lại thực trạng hoạt động, phân loại nợ để có hướng xử lý, thu hồi vốn vay theo quy định”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu
ÐOÀN NGỌC NHUẬN