Nhiều doanh nghiệp cần hỗ trợ khôi phục sản xuất
Cơn lũ lịch sử trong các ngày 15 - 17.11 vừa qua đã gây thiệt hại cho nhiều địa phương, nhiều ngành trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều doanh nghiệp (DN). Ngay sau khi lũ rút, những DN này đã nhanh chóng thu dọn nhà xưởng, khắc phục hậu quả để trở lại hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn là rất lớn.
Hàng trăm tỉ trôi theo lũ
Theo thống kê của Sở Công Thương và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, tổng thiệt hại của các DN trên địa bàn tỉnh trong đợt lũ vừa qua ước trên 160 tỉ đồng. Trong đó, các DN ở cụm công nghiệp (CCN) Bình Định bị thiệt hại nặng nề nhất, với mức thiệt hại ước tính khoảng 112 tỉ đồng. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Hoa Sen thiệt hại khoảng 50 tỉ đồng; DN tư nhân Tuấn Phong thiệt hại khoảng 20 tỉ đồng; DN tư nhân Kiệt Anh khoảng 3 tỉ đồng...
Các DN ở phía bắc Khu công nghiệp Phú Tài cũng bị ngập sâu trong nước từ 0,6 đến 0,8 m, mức thiệt hại ban đầu ước tính trên 40 tỉ đồng. Trong đó, các DN bị thiệt hại nặng là Công ty TNHH Thương mại Hồng Phát, thiệt hại 5,6 tỉ đồng; Công ty TNHH Tân Dung Huy 1,6 tỉ đồng; Công ty TNHH Hiệp Phát 1,5 tỉ đồng...
Có mặt tại CCN Bình Định (thị xã An Nhơn) sau khi cơn lũ đi qua, trước mắt chúng tôi là khung cảnh đìu hiu bởi nhiều công nhân phải nghỉ làm do nhà xưởng, máy móc bị hư hỏng bởi lũ lụt. Một số ít công nhân còn lại đang thu dọn những chướng ngại vật và nhanh chóng chọn lọc những thứ còn có thể tận dụng đem phơi.
Công ty TNHH MTV Hoa Sen, chuyên sản xuất ba lô, túi xách xuất khẩu là một trong những DN bị thiệt hại nặng nhất do cơn lũ vừa qua tại CCN Bình Định. Hơn 400 máy may và toàn bộ hệ thống điện bị hư hỏng nặng. Tất cả hàng hóa thành phẩm, nguyên liệu, máy móc đều bị chìm trong nước, giá trị thiệt hại trên 50 tỉ đồng. Ngay sau khi nước rút, Công ty đã huy động toàn bộ công nhân làm vệ sinh xưởng sản xuất, phân loại các sản phẩm bị ngập nước để tìm hướng khắc phục. Bà Nguyễn Thị Kiều Hạnh - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoa Sen - cho biết: “Nước lũ lên quá nhanh, không ai trở tay kịp. Suốt cả đêm, cán bộ, nhân viên chỉ có thể chèo thuyền vào cứu vớt tài liệu, sổ sách. Với thiệt hại này, nếu dồn hết sức khắc phục, phải mất cả tháng nữa mới hoạt động trở lại được”.
Rất cần được hỗ trợ
Ông Trịnh Đào Em, Phó Ban quản lý các CCN thị xã An Nhơn, cho biết: Ban quản lý đã phối hợp với các đơn vị, ban, ngành trực tiếp xuống các DN, cơ sở sản xuất để thống kê những thiệt hại, kịp thời báo cáo với UBND thị xã; đồng thời tham mưu cho thị xã sớm tìm cách hỗ trợ cho các DN bị thiệt hại, kịp thời động viên, khuyến khích các DN nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm trở lại sản xuất. Tuy nhiên, bao nhiêu vốn đầu tư, rồi vay lãi ngân hàng... bị mất trắng khiến không ít DN điêu đứng.
Ông Lê Anh Kiệt - chủ DNTN Kiệt Anh (CCN thị trấn Bình Định), chuyên chế biến nông sản xuất khẩu - cho biết: “Cơn lũ vừa qua gây thiệt hại cho DN chúng tôi trên 3 tỉ đồng. Đây là số tiền chúng tôi vay ngân hàng để mua 500 tấn nguyên liệu dự trữ sản xuất từ nay đến Tết Nguyên đán. Bây giờ, nước lũ ngập gây hư hỏng cả, chưa biết phải xoay trở thế nào. Hiện tại DN đang lâm vào cảnh điêu đứng, hàng chục công nhân không có việc làm”.Còn ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Phong, bộc bạch: “Để các DN có thể sớm gượng dậy sau lũ, chúng tôi mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ kịp thời đối với các DN bị thiệt hại nặng. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có những chính sách giảm thuế, giảm lãi suất, tạo điều kiện cho các DN vay vốn với lãi suất thấp để khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Các DN dự kiến phải mất 2 tháng nữa mới khôi phục được hệ thống sản xuất và hoạt động trở lại. Trên 2.000 lao động của các DN bị ảnh hưởng lũ lụt phải rơi vào tình cảnh không có việc làm. Sở Công Thương đã báo cáo tình hình thiệt hại của các DN với UBND tỉnh và Bộ Công Thương để có kế hoạch hỗ trợ các DN này kịp thời khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất. Trước mắt, Sở đã cử đoàn công tác đến từng DN bị thiệt hại để nắm tình hình và hỗ trợ khắc phục hậu quả ban đầu”.
NGỌC THÁI