Bạo lực từ những người thân
Xung đột, bất hòa trong cuộc sống làm cho mối quan hệ của những người thân, họ hàng căng thẳng. Và một khi những người trong cuộc, nhất là người trẻ không kiềm chế được cơn giận, dẫn đến những hành động đáng tiếc.
Bị cáo Phan Hoài Thịnh cúi mặt suốt cả phiên xử. Mức án chung thân là những gì mà Thịnh nhận lấy cho hành vi côn đồ, mất nhân tính của mình.
Đánh người thân vì... tức!
26 nhát dao vào vùng đầu, cổ và mặt đã tước đi mạng sống của ông Nguyễn Đức Hiệp (SN 1962, TP Quy Nhơn) và đau lòng hơn, người nhẫn tâm thực hiện hành vi này lại chính là Phan Hoài Thịnh (SN 1998, tỉnh Đắk Lắk) - cháu gọi nạn nhân bằng dượng và vẫn thường đến nhà ở chơi thân thiết.
Cho rằng ông Hiệp có lời nói xúc phạm đến cha mẹ mình nên khoảng 20 giờ ngày 26.8.2019, Thịnh đã dùng dao đâm chết ông Hiệp. Tiếp đó, Thịnh còn dùng dao đâm liên tục 6 nhát vào vùng mặt, cổ, tay của Nguyễn Hà Trần Hoàng (con trai ông Hiệp, em họ của Thịnh), để bịt đầu mối.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm do TAND tỉnh mở mới đây, bị cáo Thịnh cho biết chưa hề có mâu thuẫn gì với dượng cũng như có mối quan hệ khá tốt với em họ của mình. Chỉ là trong lúc hai dượng cháu nói chuyện với nhau, cho rằng dượng có lời nói xúc phạm bố mẹ của bị cáo nên bị cáo tức giận và ra tay. Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục truy vấn “Nếu nạn nhân có nói gì không hài lòng thì đó là việc của người lớn, nhưng bị cáo lại đâm tới tấp nạn nhân, đâm cho tới khi nạn nhân ngã gục trên nền nhà mới dừng tay, là cớ làm sao?”. Lúc này, bị cáo Thịnh lại một lần nữa cúi gầm mặt lý nhí: “Bị cáo sai rồi!”.
Nguyên nhân mà bị cáo Đoàn Hữu Cường (SN 1992, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát) làm cho bác của mình bị tổn hại sức khỏe 25% cũng bởi vì... tức. Trả lời câu hỏi của HĐXX, tại sao lại cố đâm bằng được ông Đoàn Văn Huấn, vốn là bác của mình dù mọi người đã can ngăn nhiều lần, có phải bị cáo muốn giết chết ông Huấn không? Bị cáo Cường đáp ngay: “Lúc đó, bị cáo chỉ muốn đâm cho thỏa cơn tức chứ không hề nghĩ đâm cho bác chết. Nếu lúc đó có mục đích giết người thì bị cáo đã đâm vào tim bác rồi”. Cường vừa dứt câu nói, phía dưới hàng ghế dự khán không ít tiếng thở dài.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc xâm hại sức khỏe, tính mạng người khác, mà hung thủ lại chính là họ hàng thân thiết với nạn nhân xảy ra gần đây. Xa hơn, cũng xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình, anh trai đã dùng dao kết liễu mạng sống của em ruột mình. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nh. (TX An Nhơn) là mẹ ruột của bị cáo và bị hại, đã phải thốt lên nỗi đau xé lòng: “Mới sáng, anh em nó còn ngồi với nhau uống rượu, cười nói rộn ràng, rồi còn rủ nhau đi hát karaoke, mà bây giờ đứa nằm dưới ba tấc đất, đứa phải đi tù”. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ với người em dâu và có chút hơi men, con trai của bà Nh. đã không kiềm chế được hành vi của mình.
Sống phải tuân thủ pháp luật
Dù chồng và cha đã vĩnh viễn ra đi, thế nhưng thay vì oán giận kẻ thủ ác vốn là cháu của mình, vợ và con của nạn nhân Hiệp vẫn nén nỗi đau mất người thân để tha thứ cho người bà con của mình. Thoát chết dưới lưỡi dao của anh họ nhưng bị thương tật 9%, nạn nhân Nguyễn Hà Trần Hoàng vẫn nhẹ nhàng: “Dù sao cũng là người một nhà. Ba không thể sống lại, dì cũng đủ khổ rồi, nên bản thân và gia đình không yêu cầu bồi thường gì cả. Chỉ mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho anh Thịnh”.
Cũng giận lắm hành vi côn đồ của cháu trai, nhưng nghĩ đến tình thân, đến tương lai phía trước của cháu, cũng như sự phân tích thấu tình đạt lý của HĐXX nên ông Huấn cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Cường - người đã suýt tước đi mạng sống và làm ông tổn hại 25% sức khỏe, làm kinh tế gia đình thêm phần khó khăn vì phải chạy chữa cho ông một thời gian dài.
Theo phân tích của một thẩm phán đã thụ lý, xét xử những vụ án cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác, thì: “Các vụ án như thế này thường do một số người, nhất là người trẻ đã coi thường pháp luật, coi nhẹ giá trị văn hóa gia đình, từ đó hành xử không đúng mực. Lâu dần, lối sống ấy biến thành sự vị kỷ và khi xảy ra xung đột đã bộc phát thành bạo lực, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Được biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có những quy định xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Trong đó, loại tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác bị xử tăng nặng hơn trước, với khung hình phạt cao nhất là chung thân. Vì vậy, bên cạnh sự nghiêm minh của pháp luật, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người nhận thức được mạng sống của con người là quý nhất. Và công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm không chỉ là công việc của ngành CA, kiểm sát hay tòa án mà là của cả cộng đồng, xã hội. Gia đình cần phải quan tâm, nắm bắt để kịp thời giải tỏa xung đột, tránh những hành động đáng tiếc.
KIỀU ANH