Vĩnh Sơn Ðất và Người
Ghi chép của THU DỊU
Tháng 12 về Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), bạn sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người Bana K’riêm trong dịp lễ cúng lúa mới. Trong tiết trời se lạnh, bên bếp lửa bập bùng, trong lời ca, điệu múa, tiếng đàn quyện lẫn men rượu cần..., đêm Vĩnh Sơn nồng và đượm làm say lòng người...
Trên đỉnh đèo Vĩnh Sơn nhìn xuống phía thung lũng có dòng sôn Côn chảy qua các bản làng.
Bên bếp lửa nhà sàn nghe điệu Pơ răng
Đêm Vĩnh Sơn lạnh. Gió lạnh cóng đôi bàn tay, tôi bước vào ngôi nhà sàn với bếp lửa hồng tí tách. Ngồi êm vào chỗ, nhấp chén trà nóng, cái lạnh bỏ lại ngoài cánh cửa kia.
Đêm ở Vĩnh Sơn còn cho tôi một bất ngờ khi người bạn dẫn đường đưa tới thăm nhà nghệ nhân Đinh Chương (ở làng K8, Vĩnh Sơn), một trong những người sưu tầm, lưu giữ, văn hóa của cộng đồng Bana K’riêm ở Vĩnh Sơn.
Đêm bên bếp lửa nhà sàn và say trong điệu nhạc của tiếng đàn Pơ răng.
Khách ngồi đã ấm, đã êm, chủ nhà bưng một bát cơm nóng mời khách “làm phép”, bạn tôi giải thích gọn, đây là phong tục của người Bana K’riêm. Khi bạn nhón chút cơm làm phép lúc bước chân vào nhà của người Bana, là cách mà họ chứng tỏ sẽ giữ an toàn tuyệt đối cho khách. Khách sẽ lành như cơm. Trong quan niệm của người Bana, khách quý đến thăm nhà, để khách không bị các chứng bệnh thông thường (như đau bụng, cảm gió, hoặc ra đường gặp chuyện không may), chủ nhà sẽ mời nhón cơm làm phép. Đó còn là cách họ thông báo, họ dùng tấm chân tình của mình để thần linh che chở cho vị khách mà họ quý mến. Tất cả những người khách lạ đều trở thành thân quen với đồng bào Bana bắt đầu như thế.
Và gần như tôi có thể hòa vào không khí đầm ấm của gia đình bok Chương mà không cần bất cứ một sự cố gắng nào. Những câu chuyện của vùng đất này, câu chuyện về nguồn cội của người Bana di dân từ vùng núi cao Tây Nguyên xuống Vĩnh Thạnh... và cái tên Bana K’riêm ý chỉ phân biệt người Bana dưới thấp với người Bana trên núi cao, sống lại trong từng lời kể của bok Chương.
Bok Chương tên thật là Đinh Vế, một trong những người có uy tín trong cộng đồng người Bana. Với rất nhiều cống hiến, đóng góp của bok với văn hóa, đời sống của cộng đồng người Bana K’riêm, bok Chương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. “Trong máu tôi có điệu múa, lời ca Bana K’riêm”- cho nên nếu ai muốn tìm hiểu về văn hóa Bana K’riêm ở Vĩnh Sơn, không gì hơn một cuộc chuyện trò với nghệ nhân Đinh Chương.
Gắn kết tính cộng đồng
Trong dịp trở lại Vĩnh Sơn lần này, tôi cảm nhận rõ hơn, sâu sắc hơn văn hóa kết nối cộng đồng của người Bana trong việc cùng nhau dựng nhà lưu niệm truyền thống tại làng K8.
Buổi sáng, trong khuôn viên của nhà rông K8 tập trung rất đông người. Đàn ông đóng cột, khuân vác gỗ; phụ nữ ngồi bên ngoài chuẩn bị nước, phụ giúp những việc vặt. Đám trẻ giờ tan trường ùa ra, đứng vây quanh. Chốc chốc, chúng lại hỏi chị, hỏi mẹ và chỉ vào tôi - người khách lạ với chiếc máy ảnh chạy đông, chạy tây và cười hồn nhiên.
Người dân ở K4 (Vĩnh Sơn) uống rượu cần trong lễ hội cúng cơm mới. Ảnh: BÙI NGỌC THANH
Gia làng Đinh Hý cho biết, làng đang xây ngôi nhà lưu niệm trưng bày các nhạc cụ truyền thống mà bok Chương sưu tầm. Ngôi nhà lưu niệm này được dựng theo lối nhà sàn truyền thống của người Bana K’riêm; kinh phí xây dựng được UBND tỉnh hỗ trợ. Bà con trong làng đồng lòng góp công, góp của xây dựng. Còn Đinh Hú, người đóng vai trò chủ đạo cho công trình xây dựng này là cán bộ Mặt trận thôn nhưng rất giỏi, khéo tay trong việc dựng cột, xây nhà. Nhà rông, nhà sàn của đồng bào đều do Đinh Hú đảm nhận những khâu quan trọng. Ngôi nhà lưu niệm này, Đinh Hú cũng là người thợ cả, thực hiện những khâu then chốt.
“Ngày 15.1.2020 tới là công trình hoàn thành. Làng sẽ làm một cái lễ nhỏ ra mắt, lúc đó mọi người cùng biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Bok Chương mời con và những người bạn dưới xuôi mến yêu văn hóa Bana K’riêm về đây chung vui với bok và cả làng” - bok Chương hồ hởi. Đáp lời mời của bok Chương, tôi lưu ngay trong trí nhớ của mình cái hẹn trở lại Vĩnh Sơn vào dịp khánh thành nhà lưu niệm.
Sắc trời Vĩnh Sơn hửng nắng. Nắng xanh, vàng ươm bắt qua những ngọn đồi. Gió vẫn mang chút hơi lạnh. Vĩnh Sơn mùa này mời gọi khách phương xa đến để say men rượu cần trong đêm hội cúng lúa mới.