Tạo thuận lợi cho DN mở rộng thị trường xuất khẩu
Năm 2019, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các DN trên địa bàn tỉnh đã tăng so với năm 2018. Ðây có thể nói là sự nỗ lực rất lớn của các DN trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. PV Báo Bình Ðịnh phỏng vấn ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, về vấn đề này.
● Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn thì con số kim ngạch xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 là rất đáng ghi nhận. Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?
- Năm 2019, kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Căng thẳng gần đây giữa các nền kinh tế lớn khiến thương mại và đầu tư thế giới giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm sút. Giá dầu và USD diễn biến phức tạp cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.
Để tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã phối hợp tổ chức các hội nghị triển khai kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, nhằm thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại cộng với sự nỗ lực của DN đã đưa đến sự chủ động trong sản xuất, khai thác tốt nguồn nguyên liệu, ký nhiều đơn hàng xuất khẩu. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) năm 2019 của tỉnh ước thực hiện đạt 911,6 triệu USD, tăng 8,94% so với năm 2018, đạt 104,8% kế hoạch năm. Trong đó: Kinh tế Nhà nước ước thực hiện 26,2 triệu USD, tăng 7,7%; kinh tế tư nhân 797,3 triệu USD, tăng 9,2%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 88,1 triệu USD, tăng 9%.
● Bình Định được xem là 1 trong 4 trung tâm sản xuất đồ gỗ xuất khẩu lớn của cả nước, ông có thể cho biết những kết quả đạt được trong xuất khẩu đối với lĩnh vực này?
- Trong năm 2019, mặt hàng gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ xuất khẩu của tỉnh có nhiều thuận lợi, do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường truyền thống như EU, Mỹ và một số nước châu Á có bước tăng trưởng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 120 DN chế biến gỗ, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 345.000 m3 sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 70 DN tham gia xuất khẩu trực tiếp.
Một phân xưởng may quần áo xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Tam Quan (Hoài Nhơn).
Trong năm 2019, sản phẩm đồ gỗ Bình Định đã xuất khẩu trực tiếp qua 5 châu lục với trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn là xuất khẩu sang châu Âu (chiếm 82%), châu Đại Dương (7,7%), châu Mỹ (5%), châu Á (5%) và châu Phi. Tổng giá trị xuất khẩu ngành chế biến gỗ của tỉnh trong năm 2019 đạt 445,9 triệu USD, chiếm 49% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,5 %/năm.
● Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, thời gian tới, ngành Công Thương sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?
- Sở Công Thương sẽ tiếp tục thông tin tuyên truyền, phổ biến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thị trường của các nước tham gia Hiệp định CPTPP; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)… cho các DN. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường. Sở cũng sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với DN để trao đổi về tình hình xuất khẩu, những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp tháo gỡ để góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Điều hành tốt việc cung ứng đủ nguồn điện, nguồn nguyên liệu cho sản xuất, đảm bảo cho sản xuất phát triển ổn định, nhất là sản xuất chế biến hàng xuất khẩu. Đồng thời, có biện pháp dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu. Kịp thời đưa ra các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường.
● Về phía các DN sẽ được khuyến khích đổi mới, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu như thế nào?
- Chúng tôi tiếp tục khuyến khích các DN đẩy mạnh liên kết, liên doanh giữa các DN trong tỉnh, trong nước để tạo nên sức mạnh cộng đồng, khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán trên thị trường và sự yếu kém về quy mô sản xuất nhỏ bé của DN. Tạo điều kiện thuận lợi để DN tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng có chất lượng để đảm bảo quy mô cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng, kết nối cung cầu, sản xuất theo chuỗi. Cùng với đó, thay đổi một cách căn bản hơn việc xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của các DN.
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, Sở Công Thương vận động các DN tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)