“Bài toán” kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện
Nhiễm khuẩn bệnh viện là nguyên nhân hàng đầu đe dọa an toàn người bệnh. Tuy vậy, đầu tư cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế của tỉnh còn nhiều vấn đề.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Tuyết Nhung khẳng định, kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) có vai trò quan trọng trong bệnh viện, đặc biệt tại khoa gây mê hồi sức và hồi sức cấp cứu vì liên quan mật thiết đến chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh. Nhiễm khuẩn bệnh viện dẫn đến nhiều hệ lụy: Kéo dài thời gian nằm viện của người bệnh 7 - 15 ngày; gia tăng sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh, chi phí gấp 2 - 4 lần bình thường.
Thiếu nhân lực, cơ sở chưa đảm bảo
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Huấn, Trưởng khoa Gây mê hồi sức (BVĐK tỉnh), khoa có hai đơn nguyên: Hồi sức ngoại với 15 giường bệnh chỉ tiêu, từ 17 - 20 bệnh nhân/ngày; 12 phòng mổ với 70 - 80 ca phẫu thuật/ngày. Phòng mổ được xây dựng chuẩn một chiều, hệ thống thông khí qua lọc HEPA; mỗi phòng mổ có 1 bàn mổ, hạn chế tối đa nhân lực tham gia phẫu thuật; trang thiết bị đảm bảo. Các quy định KSNK được thực hiện nghiêm ngặt với nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. “Khoa hiện có 13 bác sĩ, 86 điều dưỡng và 19 hộ lý đủ đáp ứng công việc, nhưng để đạt chuẩn KSNK thì phải bổ sung thêm, đặc biệt điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân”, bác sĩ Huấn cho hay.
Khu vực phòng mổ BVĐK tỉnh được xây dựng theo chuẩn một chiều, hệ thống thông khí qua lọc HEPA.
Bác sĩ Huỳnh Thị Vân, Trưởng khoa KSNK (BVĐK tỉnh) cho rằng, khoa Hồi sức cấp cứu và khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về KSNK, bởi đây là hai khu vực thường xuyên có nhiều người bệnh nặng, người suy giảm miễn dịch, người bệnh thực hiện nhiều phẫu thuật, thủ thuật xâm lấn, nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế khi cơ sở phòng mổ khoa Gây mê hồi sức xây dựng đã lâu, cần đầu tư thêm để đảm bảo quy chuẩn chất lượng nghiêm ngặt của KSNK; chưa áp dụng đầy đủ về sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật; chưa bố trí đủ điều dưỡng chăm sóc người bệnh toàn diện.
Tại TTYT TP Quy Nhơn, khoa Gây mê hồi sức có 4 phòng mổ, trung bình phẫu thuật 4.200 ca/năm; khoa Hồi sức cấp cứu có 12 giường bệnh điều trị. Theo Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn Trần Kỳ Hậu, thiết kế của khoa Gây mê hồi sức có một số điểm chưa đúng quy chuẩn, chưa có hệ thống thông khí qua lọc HEPA, chưa kết nối thuận tiện với khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Nhân lực cũng là “bài toán khó”, khi có lúc vẫn phải để người nhà bệnh nhân tham gia chăm sóc người bệnh.
Đầu tháng 12 này, với việc đưa vào sử dụng khu Khám bệnh và kỹ thuật hiện đại, BVĐK khu vực Bồng Sơn giải được nỗi lo rất lớn về KSNK tại khoa Hồi sức cấp cứu. Song, Trưởng khoa Nguyễn Thành Vân cũng thẳng thắn: “Thiếu nhân lực, nên mỗi điều dưỡng phải chăm sóc 3 bệnh nhân, chỉ có thể cố gắng đảm bảo chăm sóc toàn diện ở hồi sức nhi sơ sinh”.
Phải từ ý thức
Trong khi đó, ở các bệnh viện tuyến huyện chưa có khoa Hồi sức tích cực và khoa Gây mê hồi sức, chỉ có khoa hồi sức cấp cứu, bộ phận gây mê lồng ghép chung phòng mổ. Việc thực hiện kiểm tra giám sát KSNK còn đơn giản. “Nhân lực làm công tác này đa số kiêm nhiệm từ phòng điều dưỡng, kế hoạch tổng hợp…”, Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình bày tỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, những năm gần đây, ngành Y tế được tỉnh quan tâm cấp kinh phí cải tạo, xây mới nhiều hạng mục quan trọng tại BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn và các TTYT huyện. Nhưng để cơ sở hạ tầng đáp ứng theo yêu cầu chuẩn của khoa hồi sức cấp cứu và gây mê hồi sức cần đầu tư theo giai đoạn. Ngoài ra, bà Nhung cũng thẳng thắn chỉ rõ, một số đơn vị lãnh đạo bệnh viện chưa thật sự quan tâm đầu tư cho công tác KSNK bệnh viện. Duy nhất BVĐK tỉnh thành lập khoa KSNK, các đơn vị còn lại có bộ phận hoặc tổ KSNK thuộc các khoa ghép, hoặc kiêm nhiệm.
“Trong tháng 12 này, chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở y tế phải từng bước cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng; đầu tư trang thiết bị, phương tiện, hóa chất, vật tư cho hoạt động KSNK đúng quy định cơ cấu giá viện phí. Bảo đảm đủ nhân lực, đặc biệt là điều dưỡng, hộ sinh thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện, không để người nhà bệnh nhân tham gia… Sở Y tế sẽ tiến hành kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh tồn tại hạn chế, hỗ trợ đơn vị tháo gỡ vướng mắc trong KSNK tại các khoa hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức. Đồng thời, tăng cường đào tạo nâng cao công tác KSNK cho nhân viên y tế”, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh.
THU HIỀN