Phát triển lâm nghiệp bền vững với rừng gỗ lớn
Năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Ðề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2035, nhằm hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Ðến nay, việc triển khai Ðề án đã có những kết quả tích cực.
Tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn
Để thực hiện mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn của tỉnh đạt 10.000 ha trong năm 2020 và đạt 30.000 ha trong năm 2035 theo Đề án, hiện có 3 Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Hà Thanh, Sông Kôn đã chuyển hóa tổng diện tích hơn 1.100 ha rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn; trồng mới gần 300 ha rừng gỗ lớn; trồng lại rừng sau khai thác để chuyển sang rừng gỗ lớn hơn 700 ha. Qua đó, hướng đến xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Chuyên viên kỹ thuật Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh kiểm tra mức tăng trưởng rừng trồng gỗ lớn theo định kỳ.
Theo ông Hoàng Hà Giang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Đề án trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2019 - 2030 của DN đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đến năm 2021, công ty sẽ phát triển vùng kinh doanh gỗ lớn tập trung khoảng 818 ha; hiện đã chuyển hóa hơn 200 ha rừng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn.
Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh đã chuyển hóa gần 400 ha rừng sản xuất sang trồng rừng gỗ lớn và đã khai thác 91,6 ha rừng gỗ lớn. Đến năm 2025, công ty sẽ phát triển vùng kinh doanh gỗ lớn với tổng diện tích hơn 2.500 ha. “Phát triển trồng rừng gỗ lớn không chỉ tăng chất lượng rừng trồng mà còn bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững. Chúng tôi đang triển khai xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững, dự kiến đầu năm 2020 sẽ được sớm cấp chứng chỉ FSC trong tổng diện tích hơn 2.500 ha rừng kinh doanh gỗ lớn sẽ phát triển những năm tới của công ty”, ông Cái Minh Tùng, Giám đốc Công ty, cho biết.
Phát triển nguồn gỗ hợp pháp
UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho các DN, gồm: Công ty CP Lâm nghiệp Kim Thành Lập (huyện Hoài Nhơn); Công ty TNHH Dịch vụ Huỳnh Phát, Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài (TP Quy Nhơn) và HTX Lâm nghiệp An Việt Phát (TP Hồ Chí Minh) xây dựng đề án liên kết với các chủ rừng trong tỉnh tạo vùng nguyên liệu gỗ gắn với quản lý bảo vệ rừng và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
HTX Lâm nghiệp An Việt Phát hiện đã liên kết với các chủ rừng trồng rừng theo chứng chỉ FSC tại 10 tỉnh trên cả nước. Năm 2019, HTX đăng ký thực hiện dự án tại Bình Định, để tạo vùng nguyên liệu gỗ hợp pháp phục vụ nhu cầu sản xuất tại Nhà máy chế biến đồ gỗ xuất khẩu của HTX tại Cụm công nghiệp Tây Xuân, huyện Tây Sơn.
Phát triển trồng rừng gỗ lớn, rừng cấp chứng chỉ FSC sẽ gặp không ít khó khăn, bởi chu kỳ trồng rừng kéo dài nhiều năm, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhiều rủi ro do thiên tai… Trong khi đó, các DN, chủ rừng phải vay vốn từ các ngân hàng thương mại lãi suất cao mà chưa có vốn vay ưu đãi, chưa có chính sách về bảo hiểm cho rừng trồng bị thiệt hại do thiên tai. Do đó, muốn khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng gỗ lớn đảm bảo lợi ích lâu dài thì Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa.
Bà Ngô Thị Thanh Dung, Phó Tổng Giám đốc HTX Lâm nghiệp An Việt Phát, cho hay: “Sau khi dự án của đơn vị được phê duyệt, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện liên kết người dân trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ từ 7 năm trở lên tại nhiều địa phương trong tỉnh, với tổng diện tích khoảng 10.000 ha trong năm 2020 và sau đó sẽ mở rộng thêm diện tích. Chúng tôi cam kết đầu tư 100% chi phí hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, mời các tổ chức quốc tế về đánh giá để cấp chứng chỉ rừng FSC cho chủ rừng, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân với giá cao hơn”.
Việc các DN liên kết với người dân phát triển rừng gỗ lớn, rừng được cấp chứng chỉ FSC sẽ giúp người dân trồng rừng tăng hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Tự Trọng, người dân trồng rừng ở xã Tây Phú (huyện Tây Sơn), chia sẻ: “Gia đình tôi trồng hơn 30 ha keo lá tràm, keo lai, khai thác theo chu kỳ từ 5 - 7 năm, trong đó có hơn 8 ha keo lai trồng được 10 năm chưa khai thác. Nếu có sự liên kết của DN hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, trồng rừng gỗ lớn, tôi sẽ đăng ký tham gia hợp tác sản xuất”.
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có hơn 126 nghìn ha rừng trồng, trong đó rừng sản xuất của hộ gia đình, cá nhân chiếm 80%. Ngành Lâm nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các DN liên kết các chủ rừng trong tỉnh trồng rừng gỗ lớn nhằm mang lại lợi ích lâu dài.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phạm Bá Nghị, cho biết: “Chi cục đang phối hợp với các DN để xây dựng, thẩm định đề án phát triển rừng gỗ lớn, rừng cấp chứng chỉ FSC. Đồng thời khảo sát diện tích đất lâm nghiệp trong tỉnh để xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ lớn để tham mưu Sở NN&PTNT, UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện các dự án của DN”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN