Thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử: Lợi nhiều bề!
Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, việc thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh còn giúp quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thêm phần thông suốt, minh bạch.
Để triển khai hoạt động này, VNPT Bình Định phối hợp với BIDV Bình Định thực hiện kết nối Cổng thanh toán trực tuyến với Cổng Dịch vụ công tỉnh và phối hợp với các sở, ban cấp chữ ký số HSM cho các đơn vị để phát hành biên lai điện tử đúng quy định.
Thuận tiện, minh bạch
Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh hiện có 27 quầy giao dịch thủ tục hành chính (TTHC) của các sở, ban; trong đó có 25 quầy phát sinh phí, lệ phí (trừ quầy của Sở Nội vụ và Sở Ngoại vụ). Bên cạnh đó, có 4 quầy dịch vụ của BIDV Bình Định và Bưu điện tỉnh. Để chuẩn bị cho hoạt động thu phí, lệ phí điện tử chính thức thực hiện từ ngày 9.12, BIDV Bình Định bố trí tăng 1 quầy lên thành 2 quầy, còn Bưu điện tỉnh giảm 1 quầy còn 2 quầy.
Người dân nộp phí, lệ phí tại quầy của BIDV Bình Định.
Ngoài ra, VNPT Bình Định đã bổ sung, hoàn chỉnh phần mềm một cửa điện tử đáp ứng quy trình thu phí, lệ phí điện tử tại Trung tâm. Đồng thời, phân công người thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn công chức tại các quầy đảm bảo thực hiện thành thạo các bước thu phí, lệ phí trên phần mềm một cửa điện tử theo đúng quy định.
Theo quy trình mới, sau khi nộp đủ giấy tờ, thủ tục liên quan, người dân, đại diện DN nhận giấy nộp phí, lệ phí đến quầy của BIDV Bình Định để nộp. Ghi nhận bước đầu cho thấy, đa số tổ chức, cá nhân đến giao dịch tại Trung tâm cảm thấy an tâm và hài lòng với cách làm mới này. Ông Đào Văn Nguyên - nhân viên kinh doanh của Công ty CP Công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội, cho rằng: “Từng giao dịch hồ sơ tại Trung tâm rất nhiều lần, tôi thấy việc thu phí, lệ phí tại quầy của ngân hàng vừa thuận tiện, vừa lịch sự”.
Còn ông Nguyễn Thế Vũ - công chức phụ trách quầy của Sở KH&ĐT, chia sẻ: “Trước đây, việc thu phí, lệ phí giải quyết TTHC được thực hiện trực tiếp tại quầy, gây áp lực cho công chức vì vừa mất thời gian nhận hồ sơ, vừa phải lo giữ tiền, đối chiếu. Việc thu phí, lệ phí thông qua ngân hàng giúp giảm áp lực cho chúng tôi, đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động thanh toán”.
Bên cạnh đó, qua phần mềm một cửa điện tử, kế toán và lãnh đạo của các sở, ban có thể theo dõi, kiểm soát được lượng phí, lệ phí phát sinh tại quầy trong ngày, tuần, tháng, quý…
Mở rộng hình thức thanh toán
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Hưng, quy trình thu phí, lệ phí điện tử đã được Sở dự thảo, lấy ý kiến các sở, ban, được Sở Tư pháp thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt. Ông Hưng cho rằng, quan trọng nhất là phải từng bước đa dạng hóa hình thức thanh toán, “người dân cần gì thì chúng ta cung cấp cái đó, đúng mục tiêu vì dân phục vụ”.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Thái Bình - Giám đốc Trung tâm PVHCC tỉnh, cũng khẳng định, việc thu phí, lệ phí điện tử tại Trung tâm PVHCC tỉnh là bước đi đầu tiên để tiến tới áp dụng những hình thức thu phí, lệ phí thuận tiện và hiện đại hơn trong thời gian đến như chuyển khoản, thanh toán qua thẻ ngân hàng. Qua đó, góp phần phục vụ tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân có giao dịch TTHC phát sinh phí, lệ phí tại Trung tâm.
Còn Phó Giám đốc BIDV Bình Định Bùi Xuân Hòa cho biết, BIDV Bình Định và VNPT Bình Định đã làm việc và thống nhất sẽ kết nối thực hiện “thu online” tại Trung tâm PVHCC tỉnh từ đầu năm 2020. “Người dân có thể thanh toán phí, lệ phí trên điện thoại như tiền điện, tiền nước. Đây là điều kiện cần thiết để thực hiện liên thông tiếp nhận, giải quyết, trả hồ sơ TTHC trực tuyến giữa các cấp, người dân không cần đến quầy giao dịch”, ông Hòa nói.
MAI LÂM