Công tác quản lý khai thác, chế biến khoáng sản: Cần sớm chấn chỉnh những bất cập
Sở TN&MT và chính quyền các địa phương tuy có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, song những tồn tại, bất cập trong lĩnh vực này vẫn còn, đòi hỏi cần có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.
Chủ động quản lý, kiểm tra
Tỉnh Bình Định là một trong những địa phương có tiềm năng khoáng sản khá phong phú, đa dạng về loại hình với 18 loại khoáng sản có giá trị; trong đó có một số loại được khai thác phục vụ phát triển kinh tế địa phương như: Đá ốp lát, đá xây dựng thông thường, cát, titan, nước khoáng... Toàn tỉnh hiện có 108 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.
Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh tuy có nhiều chuyển biến, song còn những bất cập cần chấn chỉnh.
- Trong ảnh: Hoạt động khai thác đá thời gian qua tại núi Chùa, ở thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ) đã tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của người dân.
Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản được triển khai khá chặt chẽ, đồng bộ bằng nhiều giải pháp dựa trên cơ sở quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh có liên quan. Nhờ đó, hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản.
Ngoài công tác quản lý, việc thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực khoáng sản cũng được Sở TN&MT và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh quan tâm. Cụ thể, từ năm 2017 đến năm 2019, Sở TN&MT đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực khoáng sản tổng cộng 48 trường hợp, phát hiện và xử phạt 7 trường hợp vi phạm trong khai thác khoáng sản với tổng số tiền 438 triệu đồng.
Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương đã xử lý 186 vụ vi phạm khai thác cát, sỏi trái phép với tổng số tiền đã xử phạt hơn 974 triệu đồng, tịch thu 11 phương tiện khai thác cát trái phép. Riêng thanh tra Bộ TN&MT đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 5 DN với số tiền 229 triệu đồng về những vi phạm trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
Chấn chỉnh những bất cập
Tuy nhiên, công tác quản lý khai thác, chế biến khoáng sản thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại. Đó là công tác tìm kiếm, thăm dò khoáng sản còn hạn chế do thiếu kinh phí. Số liệu đánh giá tổng trữ lượng khoáng sản trên địa bàn tỉnh với độ chính xác chưa cao, gây khó khăn cho công tác quy hoạch và quản lý. Tình trạng khai thác khoáng sản, nhất là cát lòng sông và đất san lấp trái phép ngày càng tăng, gây thất thoát nguồn khoáng sản. Hệ thống các cơ quan quản lý khoáng sản chưa được hoàn thiện về tổ chức, thiếu lực lượng chuyên môn và trang thiết bị chuyên dụng, đặc biệt ở cấp xã, dẫn tới công tác kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản có thời điểm còn chậm và bị động.
Tại kỳ họp thứ 11, HÐND tỉnh khóa XII vừa diễn ra, cử tri huyện Phù Mỹ tiếp tục phản ánh tình trạng một số DN khai thác đá tại khu vực núi Chùa, xã Mỹ Hòa xả thải bột đá gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong vùng. Ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết đã đình chỉ hoạt động 6 DN khai thác đá tại đây và chỉ cho phép hoạt động trở lại khi các DN khắc phục xong những phát sinh về ô nhiễm.
Để việc thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn đi vào nền nếp, chất lượng, đảm bảo việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu Sở TN&MT, các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đối với hoạt động cấp phép, khai thác, chế biến khoáng sản. Đặc biệt kiểm tra khối lượng khai thác cát thực tế hằng năm tại các mỏ của các DN được cấp phép khai thác; đối chiếu số liệu kê khai thuế của DN, hóa đơn, chứng từ để truy thu thuế tài nguyên, các khoản thuế và phí có liên quan.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở TN&MT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản hằng năm trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. Có biện pháp bảo vệ tài nguyên chưa khai thác, đặc biệt đối với các điểm khoáng sản có triển vọng và các mỏ khoáng sản đã được điều tra, đánh giá, tăng cường công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý Nhà nước về TN&MT; phối hợp với các cơ sở đào tạo có chức năng mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn trên lĩnh vực khai thác, chế biến; bảo vệ môi trường, an toàn lao động cho đơn vị hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
ĐẠI NAM