Phát triển dịch vụ logistics: Cần nhiều giải pháp đột phá
Bình Ðịnh với lợi thế có đầy đủ 4 loại hình giao thông gồm đường sắt, đường hàng không, đường bộ, đường thủy. Ðặc biệt, Cảng quốc tế Quy Nhơn là cửa ngõ ra biển thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa của các tỉnh khu vực trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên. Thế nhưng, hoạt động logistics vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Một góc cảng Quy Nhơn.
Chưa xứng tầm
Theo Sở GTVT, trên địa bàn toàn tỉnh có 4 cảng biển, hệ thống ga đường sắt, Cảng hàng không Phù Cát, hệ thống đường bộ với các tuyến QL 19, QL 19B, QL 19C, QL 1, QL 1D, đảm nhận vai trò tích cực về hạ tầng giao thông cho sự phát triển logistics. Tuy nhiên, vấn đề liên kết giữa các vùng với nhau vẫn chưa hoàn thiện. Hệ thống giao thông tuy đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa giữa các khu, cụm công nghiệp đến các cảng biển, nhà ga.
Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Hiểu một cách đơn giản nhất thì logistics chính là một chuỗi các dịch vụ liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa theo cách tối ưu nhất từ nơi sản xuất, cung cấp đến tay người tiêu dùng.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, cho biết: Một trong những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển dịch vụ logistics chính là hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ. Tôi lấy ví dụ, hàng chục năm nay, DN vận chuyển hàng xuất khẩu từ Khu công nghiệp Phú Tài đến Cảng Quy Nhơn chỉ có tuyến đường độc đạo là Trần Hưng Đạo. Trong khi đó, tuyến đường này lại khá chật hẹp, đi trong lòng thành phố, mật độ xe cộ tham gia giao thông đông, gây mất ATGT, chi phí vận chuyển tốn kém làm tăng thêm giá thành sản phẩm. Các DN mong muốn tỉnh đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành tuyến đường QL 19 mới, nhằm kết nối liên hoàn giữa Cảng Quy Nhơn với QL 1, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của DN.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Giám đốc Thường trực Công ty CP Cảng Quy Nhơn thì cho rằng: “Các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đa số là DN có quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Phần lớn DN mới tham gia vào một số công đoạn của mạng sản xuất và chuỗi giá trị chung. Nhân lực cũng là một khâu yếu trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Hiện nay, đa số công nhân lao động tại các DN là lao động phổ thông, trình độ còn hạn chế, chưa được đào tạo chính quy theo đúng chuyên ngành. Đây cũng chính là “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của dịch vụ logistics.”.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho hay: Trước xu thế hội nhập, cạnh tranh quốc tế và nhu cầu lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng quốc tế Quy Nhơn ngày càng tăng, cần có hệ thống logistics hiện đại, đáp ứng yêu cầu giảm chi phí nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa trong vùng. 3 thành tố quan trọng của logistics là vận tải lớn, hạ tầng bến bãi và dịch vụ hậu cần. “Nếu giải quyết tốt được nút thắt về vận tải lớn, các khâu còn lại sẽ được thúc đẩy phát triển một cách nhanh chóng”, ông Tổng nói.
Cần tháo gỡ nút thắt
Phát triển dịch vụ logistics được tỉnh xác định là ngành kinh tế quan trọng trong thời gian đến. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 10 - 12%. Các nhóm giải pháp cụ thể để thúc đẩy dịch vụ này được tỉnh xác định trong thời gian tới gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật, kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ, phát triển thị trường dịch vụ, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, tỉnh đang tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông để kết nối liên hoàn giữa các khu, cụm công nghiệp với các cảng biển, sân bay. Đến cuối năm nay, tỉnh sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 2 tuyến giao thông trọng điểm gồm tuyến đường QL 19 mới kết nối từ cảng Quy Nhơn đến giao QL 1 và tuyến đường phía Tây tỉnh. Đến giữa năm 2020 sẽ tiếp tục hoàn thiện đưa vào khai thác tuyến đường trục Khu kinh tế nối dài kết nối sân bay Phù Cát với Khu kinh tế Nhơn Hội. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp để tạo vùng hậu phương cho sự phát triển kinh tế vùng, cảng biển, thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển.
Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển dịch vụ logistics tại Hội nghị ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế vừa được tổ chức tại TP Quy Nhơn, PGS-TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và kinh doanh quốc tế thuộc ĐH Ngoại Thương - cho rằng: Bình Định có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ logistics. Nếu biết phát huy lợi thế thì loại hình dịch vụ này sẽ đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Do đó, tỉnh cần phát huy lợi thế cụm cảng biển Quy Nhơn, hình thành hệ thống cảng cạn ICD dọc theo hành lang tuyến QL 19 mới, làm vệ tinh để trung chuyển hàng hóa cho cảng biển quốc tế Quy Nhơn.
“Tỉnh cần tập trung xây dựng, phát triển hệ thống kho bãi cảng cạn, bãi chứa container dọc tuyến QL 19 mới có chức năng phục vụ cho các hoạt động xuất nhập khẩu cho khu vực cảng biển Quy Nhơn, nhằm hỗ trợ cho các hoạt động tiếp xúc, kết nối với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, PGS-TS Trịnh Thị Thu Hương chia sẻ.
N. HÂN