30% doanh nghiệp cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh tra, kiểm tra thuế
33% doanh nghiệp cho rằng cán bộ suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp và 30% doanh nghiệp cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh tra, kiểm tra thuế.
Sáng 17.12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo, đồng thời gửi đến Thủ tướng báo cáo một số kết quả chính tại báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 (về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) và nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 (về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020) từ góc nhìn của các doanh nghiệp.
Quang cảnh hội thảo
Báo cáo nêu trên được thực hiện dựa trên kết quả các cuộc điều tra doanh nghiệp hàng năm của VCCI trên các lĩnh vực thuế, hải quan và môi trường kinh doanh. Hơn 10.000 doanh nghiệp đến từ tất cả các tỉnh thành trên cả nước đã tham gia trả lời phiếu khảo sát.
Bản báo cáo nhận định, môi trường kinh doanh của Việt Nam được các doanh nghiệp đánh giá là đang chuyển biến tích cực hơn, dù có sự không đồng đều giữa các lĩnh vực.
Ở lĩnh vực đăng ký kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký qua mạng, qua bưu điện hoặc qua trung tâm hành chính công tăng từ 12,5% lên 17,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin tốt lại giảm từ 60% xuống còn 36%.
Với lĩnh vực thuế thì các thủ tục hành chính thuế có sự cải thiện, dễ thực hiện nhất là thủ tục nộp thuế, khó thực hiện nhất là thủ tục hoàn thuế và đề nghị miễn giảm thuế. Tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế điện tử lên đến 98,4%. Mặc dù vậy, hoạt động thanh kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 33% doanh nghiệp cho rằng cán bộ suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp và 30% doanh nghiệp cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh tra, kiểm tra thuế.
Lĩnh vực giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan, các doanh nghiệp phải đi lại để nộp hồ sơ rất nhiều lần (trung bình 3 lần cho mỗi thủ tục). Tỷ lệ doanh nghiệp phải xin xác nhận phòng cháy chữa cháy lên đến 63% và có đến 30% doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn khi làm thủ tục. Các thủ tục về xây dựng và phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được thực hiện liên thông.
Đặc biệt, tiếp cận vốn vẫn là khó khăn lớn thứ hai đối với các doanh nghiệp, cản trở lớn nhất là điều kiện vay vốn phải có tài sản thế chấp (86% doanh nghiệp đồng ý). 39% doanh nghiệp cho biết tình trạng bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến.
Một nhận định rất đáng lưu ý khác là việc mức độ công khai, minh bạch thông tin về đất đai lại đang có chiều hướng xấu đi.
Về cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp và phá sản, báo cáo cho biết, sau 5 năm giảm liên tục (từ 60% năm 2013 xuống 36% năm 2017) năm vừa qua, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện ra tòa án khi có tranh chấp đã tăng trở lại, lên mức 45% năm 2018.
Về kiểm soát tham nhũng, các đánh giá của doanh nghiệp về mức độ phổ biến và giá trị của chi phí không chính thức đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên, hiện tượng tham nhũng vặt khi làm thủ tục hành chính vẫn không giảm.
Vẫn theo báo cáo, việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận khi tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện giảm từ 58% xuống 48% và tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép giảm từ 42% xuống 34%. Song, việc cắt giảm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại phụ lục IV Luật Đầu tư và các điều kiện kinh doanh nằm ở cấp luật cần tiếp tục được thực hiện.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)