“Thị hiếu” là gì?
Đây là từ quen thuộc trong tiếng Việt. Tuy nhiên, nhiều người không rõ nghĩa của từng yếu tố cấu tạo nên nó, do đó cho rằng thị hiếu là “cái nhìn mang sự yêu thích”.
Thật ra, thị hiếu chẳng liên quan gì đến “cái nhìn” cả. Cách hiểu trên là bởi sự ảnh hưởng của hình vị thị. Trong tiếng Việt, có nhiều hình vị thị gốc Hán; trong đó, thị với nghĩa “nhìn” (bộ kỳ) phổ biến hơn cả. Sự “nhiễu nghĩa” của thị này dẫn đến cách hiểu “cái nhìn” là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, thị trong thị hiếu lại là một chữ khác. Nó cũng có nguồn gốc Hán, thuộc bộ khẩu, có nghĩa “thích, nghiện, ham thích” (Trần Văn Chánh, Tự điển Hán Việt, tái bản lần 4, Nxb Từ điển Bách Khoa, 2013, tr.186). Còn hiếu, đây cũng là một hình vị gốc Hán, bắt nguồn từ chữ hiếu (một âm khác là hảo, nghĩa “hay, tốt, đẹp”; như trong hảo hạng, hoàn hảo), cũng có nghĩa là “thích, hiếu, ham, ưa thích” (sđd, tr.237); như trong hiếu động (thích hoạt động), hiếu học (ham học), hiếu kỳ (ham thích cái mới lạ), hiếu sắc (mê thích sắc đẹp).
Như vậy, thị hiếu là một từ ghép đẳng lập, trong đó, thị cùng nghĩa với hiếu. Từ này có thể hiểu là “ham thích, ưa thích” (với nghĩa khái quát). Từ điển tiếng Việt định nghĩa cụ thể là “xu hướng ham thích một lối, một kiểu nào đó đối với những thứ sử dụng hoặc thưởng thức hằng ngày” (Hoàng Phê chủ biên, 1997, tr.905).
Trong tiếng Việt, trường từ vựng liên quan đến hoạt động của mắt khá phong phú với nhiều từ như coi, dòm, ngắm, ngó, nhìn, nhòm, xem... Tiếng Hán cũng tương tự. Ta thường biết đến các hình vị gốc Hán quen thuộc trong tiếng Việt như lãm (xem), khán (xem), kiến (thấy), quan (ngắm nhìn, xem xét), thị (nhìn kỹ, trông kỹ)... Với nghĩa “cái nhìn”, người ta dùng quan bởi nó mang nghĩa “cách nhìn, quan điểm, quan niệm”; như nhân sinh quan ([hệ thống] quan niệm về cuộc sống của con người), thế giới quan (cách nhìn về thế giới)...
Th.S PHẠM TUẤN VŨ