Tuyển dụng đặc cách giáo viên: Người vui mừng, kẻ lo lắng
Theo Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5.11.2019 của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh có Công văn số 6937/UBND-NC ngày 13.11 và Công văn số 7450/UBND-NC ngày 5.12.2019 về việc thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên. Nhiều giáo viên đã vui mừng khi biết được thông tin này, tuy nhiên vẫn có một bộ phận tỏ ra hoang mang, lo lắng.
Nhiều điều kiện
Ông Lâm Hải Giang, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Để triển khai thực hiện Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5.11.2019 của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 7450/UBND-NC ngày 5.12.2019 về tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đang hợp đồng lao động giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, có đóng BHXH từ năm 2015 trở về trước. Theo đó, đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn được thực hiện tuyển dụng đặc cách được xác định như sau: Là giáo viên đang hợp đồng lao động giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, có đóng BHXH từ năm 2015 trở về trước. Đồng thời, đáp ứng trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD&ĐT đối với chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng; trong thời gian hợp đồng phải được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không ở trong thời gian đang thi hành kỷ luật.
Căn cứ chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng và định mức số lượng người làm việc trong các trường phổ thông, đề án vị trí việc làm được phê duyệt, Sở Nội vụ giao cho các trường xác định nhu cầu tuyển dụng, báo cáo cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng phê duyệt số lượng giáo viên đang hợp đồng thuộc đối tượng tuyển dụng đặc cách theo quy định.
Tuy nhiên, ông Lâm Hải Giang cũng cho biết thêm: Việc bố trí giáo viên phải căn cứ vào định mức giáo viên/lớp và chỉ tiêu biên chế được giao. Thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT và các địa phương đã tập trung chỉ đạo việc tuyển dụng viên chức ngành GD&ĐT theo quy định. Số giáo viên hợp đồng không trúng tuyển và đơn vị không có nhu cầu thì chấm dứt hợp đồng. Theo Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5.11.2019 của Bộ Nội vụ, giáo viên đã chấm dứt hợp đồng không thuộc đối tượng tuyển dụng đặc cách. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, Sở Nội vụ sẽ báo cáo xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Người vui, kẻ lo
Hiện nay, các địa phương đang rà soát các giáo viên trong diện đặc cách để trình hội đồng xét duyệt. Ở cấp THPT, từ nhiều năm trước, khi chuyển các trường phổ thông bán công sang loại hình công lập và công lập tự chủ, Sở GD&ĐT đã tổ chức tuyển đặc cách theo 2 cách, đặc cách hẹp và đặc cách có cạnh tranh. Do đó, hiện số lượng giáo viên hợp đồng cần phải xem xét chỉ còn vài trường hợp, nên sẽ không khó khăn để tính cho vừa với chỉ tiêu biên chế. Tuy nhiên, các cấp học còn lại do huyện quản lý mỗi nơi lại mỗi khác.
Bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoài Nhơn, chia sẻ: Phòng đang rà soát, tổng hợp để trình cho hội đồng thi tuyển của UBND huyện. Số giáo viên nào đủ điều kiện thì đặc cách, sau đó số còn lại sẽ phải tham gia kỳ thi tuyển. Chúng tôi đã có kế hoạch thi tuyển, thành lập hội đồng rồi. Do mới tổ chức thi tuyển một đợt vào năm học 2016 - 2017 nên nay cũng chỉ còn số ít giáo viên trong diện đặc cách.
Là người thuộc nhóm giáo viên đang chờ hội đồng xét duyệt, cô N., một giáo viên ở huyện Tuy Phước, chia sẻ: Tôi đã gắn bó nhiều năm trong nghề, nên khi đối diện với nguy cơ không được đứng trên bục giảng nữa tôi rất lo lắng và buồn. Giờ có công văn mở lối của Bộ Nội vụ, tôi và nhiều đồng nghiệp rất vui. Mặc dù hồ sơ chưa được xét duyệt nhưng ít ra chúng tôi vẫn còn hy vọng.
Trái với niềm vui đó, thầy V. và nhiều giáo viên ở huyện Hoài Ân đang hết sức lo lắng. Chia sẻ của thầy V. rất chi tiết: Tôi ký hợp đồng và đóng BHXH từ ngày 15.8.2015 tại một trường THCS ở Quy Nhơn, sau đó chuyển về Hoài Ân. Ở nơi làm việc mới, do chỉ dạy hợp đồng theo tiết nên tôi không được đóng BHXH. Tôi lên cơ quan BHXH tỉnh xin đóng bảo hiểm, họ nói - muốn đóng bảo hiểm theo vị trí việc làm thì nhà trường phải đứng ra đóng, nếu đóng bảo hiểm tự nguyện thì mức họ đưa ra tới hơn 1 triệu đồng/tháng. Mức này thì vượt khả năng giáo viên chỉ hợp đồng theo tiết như tôi nên tôi không thể đóng BHXH. Về đặc cách và thi tuyển, tôi có hỏi Phòng GD&ĐT, Phòng nói chờ chỉ đạo. Ở huyện có rất nhiều trường hợp như tôi, hơn nữa, đầu năm vừa rồi Phòng GD&ĐT yêu cầu cắt hết các giáo viên dạng hợp đồng. Trong số những giáo viên bị cắt hợp đồng, có người có thâm niên công tác tới 10 năm, bị cắt hợp đồng đột ngột như vậy họ bị mất cơ hội được xét tuyển đặc cách. Thậm chí có một số bấm bụng, gắng đóng BHXH với mức cao nhưng đến năm 2017, BHXH tỉnh cũng dừng không thực hiện nữa. Chúng tôi chỉ còn trông chờ vào cơ hội thi tuyển nhưng theo thông báo thì cả việc thi cũng dừng, đến giờ vẫn không có thông báo chính thức. Riêng tôi, tôi có bằng cao đẳng, được đào tạo để dạy bậc THCS. Nhưng đến 1.7.2020, cơ chế thay đổi, quy định rằng dạy THCS bắt buộc phải có bằng đại học. Xét về mặt thực hiện chính sách, chúng tôi có muốn đi học để bổ túc, hợp thức cũng không kịp, người có thể đi học cũng không kịp có bằng. Nếu không được đặc cách, chúng tôi mong được tham gia thi, có lịch thi phù hợp, cụ thể để chúng tôi thi rồi tự đi học liên thông lên đại học. Chứ đột ngột dừng rồi im lặng, chúng tôi bất ngờ bị bỏ rơi, ai cũng bị động và có thể sẽ mất hết hoàn toàn.
Trao đổi về những nỗi băn khoăn trên, bà Lê Thị Thu Hoài, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoài Ân, cho hay: “Huyện chỉ còn 1 trường hợp là giáo viên hợp đồng trước năm 2015 vì năm học 2018 - 2019, khi quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấm dứt hợp đồng có hiệu lực, huyện đã thực hiện ngay nên từ đó huyện không còn hợp đồng theo vị trí việc làm”.
Cũng xin nói thêm rằng, các văn bản pháp luật hiện hành không có quy định về hình thức tuyển dụng đặc cách. Vì vậy, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Nội vụ về trình tự, thủ tục tuyển dụng đặc cách để có căn cứ triển khai thực hiện.
THẢO KHUY