Xây dựng Bảo tàng tỉnh: Một chủ trương... xuyên thế kỷ
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, chủ trương xây dựng Bảo tàng tỉnh đạt được sự thống nhất cao của lãnh đạo tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ, được sự đồng thuận lớn của người dân trong tỉnh và được ngành VH&TT lập nhiều dự án, dựng thiết kế mô hình. Nhưng đến nay, chủ trương ấy đã “đi xuyên thế kỷ” và còn nguyên trên giấy.
Cần có bảo tàng xứng tầm
Bình Định là vùng đất trầm tích nhiều nền văn hóa cổ; đất và người Bình Định đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong những năm qua, Bình Định có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa Bình Định, nhiều công trình di tích được đầu tư trùng tu, xây dựng, tôn tạo và phát huy giá trị bằng ngân sách Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa, như: Hệ thống đền tháp Champa, Khu Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Khu Tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, Đền thờ Đào Duy Từ, Đền thờ Bùi Thị Xuân, Lăng Mai Xuân Thưởng, Đền thờ Tăng Bạt Hổ, Đền thờ Võ Duy Dương, Nhà Lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi, Nhà Lưu niệm Chi bộ Đề pô Diêu Trì, Nhà Lưu niệm Chi bộ Hồng Lĩnh, Tượng đài Chiến thắng Núi Bà… Nhưng một địa chỉ quan trọng, nơi lưu giữ, giới thiệu, quảng bá truyền thống lịch sử, di sản văn hóa của Bình Định là Bảo tàng tỉnh, có chủ trương xây dựng từ lâu, lại chưa được thực hiện.
Hiện vật văn hóa Champa được xây bệ sắp đặt ngoài trời tại Bảo tàng tỉnh.
Trong các loại hình thiết chế văn hóa, bảo tàng là đơn vị đặc biệt quan trọng, bởi lẽ bảo tàng là cơ quan khoa học có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ những di tích tự nhiên và xã hội, lịch sử đấu tranh, đồng thời phát huy tác dụng của những di tích ấy để phục vụ cho việc phổ biến kiến thức khoa học và giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa quý báu cho thế hệ mai sau.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Bảo tàng tỉnh (lúc bấy giờ là Bảo tàng Nghĩa Bình) đã có chủ trương lập Dự án xây dựng và mô hình nâng tầng Bảo tàng tỉnh đã được thiết kế, họp duyệt góp ý nhiều lần. Theo mô hình thiết kế này, Bảo tàng vẫn giữ nguyên vị trí cũ, được nâng tầng, diện tích trưng bày của Bảo tàng tăng gấp đôi. Năm 1989, Dự án bị dừng lại vì chia tách tỉnh: Quảng Ngãi - Bình Định. Ba mươi năm qua (từ 1989 đến nay), hầu như nhiệm kỳ lãnh đạo tỉnh khóa nào cũng đề cập việc xây dựng Bảo tàng - công trình văn hóa quan trọng, cần được quan tâm đầu tư xứng tầm, cũng có nhiều ý tưởng đề xuất chọn một số địa điểm khác xây dựng Bảo tàng tỉnh được đưa ra tham khảo. Thế nhưng, dự án xây dựng Bảo tàng tỉnh đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ!
Còn chờ đến bao giờ nữa?
Các tỉnh xung quanh như: Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng… đều đã xây dựng bảo tàng tỉnh khang trang, có hệ thống trưng bày khoa học, hiện đại. Có lẽ, Bảo tàng Bình Định là một trong số rất ít bảo tàng ở nước ta có cơ sở vật chất tận dụng cơ sở có công năng khác xây dựng từ trước năm 1975, xuống cấp nặng. Vì Bảo tàng có kế hoạch xây mới nên nội thất trưng bày lạc hậu không được đầu tư nâng cấp, công trình kiến trúc xuống cấp trầm trọng chỉ được chống xuống cấp tạm thời. Hơn nữa, công trình xây dựng cao ốc TMS gần đó đã tác động mạnh làm Bảo tàng sụt lún, hiện nay các phòng trưng bày của Bảo tàng đều bị mưa dột và thấm, trần nhà và ốp tường bị bong tróc.
Bình Định là trung tâm của hai nền văn hóa cổ: Sa Huỳnh và Champa, nơi khởi nghiệp của Tây Sơn Tam Kiệt, nơi phôi thai sáng tạo chữ Quốc ngữ… Đây là những dấu ấn lịch sử - văn hóa khá đặc trưng của Bình Định.
Ngoài các di chỉ khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh như: Truông Xe, gò Lồi, Chánh Trạch, Động Cườm, La Vuông… trên thềm sông Ba cổ thuộc TX An Khê, trước đây là vùng đất Tây Sơn thượng đạo, thuộc huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, các nhà khảo cổ đã khai quật phát hiện di chỉ khảo cổ học sơ kỳ đá cũ. Với những hiện vật và qua nghiên cứu có thể khẳng định An Khê là một trong những cái nôi cổ xưa nhất trong lịch sử phát triển của loài người trên thế giới, có niên đại 800 nghìn năm. Chỉ có tại Bình Định, di sản văn hóa Champa còn lại khá phong phú và đa dạng, bao gồm đủ các loại hình: kinh đô, thành, tháp, trung tâm sản xuất gốm…
Đáng chú ý, ngoài Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, hiện nay không địa phương nào có đủ tiềm năng thành lập Bảo tàng Văn hóa Champa như Bình Định. Hầu hết các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận và Tây Nguyên đều có di tích, hiện vật văn hóa Champa, nhưng rất hiếm. Trong khi tỉnh Ninh Thuận phải phục chế hiện vật Champa để trưng bày, thì ở Bình Định hiện vật Champa thiếu kho chứa, phải để sắp thành hàng tại tháp Dương Long và khu đất trống phía sau Bảo tàng tỉnh.
Từ năm 2006, Báo Bình Định phối hợp với Sở VH&TT tổ chức Tọa đàm: Tháp Chăm Bình Định - Từ Di tích đến Di sản. Sau Tọa đàm, rất nhiều tham luận được đăng tải nhiều kỳ trên Báo Bình Định, nhiều nội dung đề cập đến việc bảo tồn và phát huy di sản, trong đó có đề xuất xây dựng Bảo tàng Văn hóa Champa Bình Định tại địa điểm Trường THCS Đống Đa (cạnh tháp Đôi), tạo một không gian liên hoàn bảo tàng - di tích. Tuy nhiên, sau Tọa đàm Tháp Chăm Bình Định - Từ Di tích đã không đến Di sản của nhân loại mà ngược lại còn đi vào quên lãng.
* * *
Có lẽ, nỗi ray rứt chung của những thế hệ lãnh đạo tỉnh trong ba mươi năm qua, cũng như niềm mong đợi của người dân Bình Định nhiều năm rồi, là Bình Định cần có Bảo tàng tỉnh xứng tầm với trầm tích văn hóa, lịch sử vốn có của địa phương, và cũng cần phải có thêm một Bảo tàng Văn hóa Champa Bình Định để trưng bày, giới thiệu những di sản văn hóa đặc sắc vùng miền của nhân loại mà Bình Định vinh dự được thừa hưởng, bảo quản, phát huy. Chúng tôi nghĩ, chậm trễ trong việc xây dựng cơ sở mới cho Bảo tàng tỉnh và nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Văn hóa Champa Bình Định tại Bình Định là sự lãng phí tài nguyên văn hóa, du lịch rất lớn.
NGUYỄN THANH QUANG