Xóa bỏ lò gạch thủ công ở Tây Sơn: Ðã hết lộ trình, vẫn chưa đến đích
Mặc dù UBND huyện Tây Sơn đã triển khai nhiều biện pháp, song vẫn không đảm bảo được lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công theo Quyết định 48/2013 của UBND tỉnh.
Còn 122 lò chưa tháo dỡ
Theo Quyết định số 48/2013 ngày 20.12.2013 của UBND tỉnh quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công (gọi tắt là lò sản xuất gạch ngói thủ công - SXGNTC) trên địa bàn tỉnh, đến ngày 31.12.2014, chấm dứt hoạt động đối với các lò SXGNTC nằm trong khu dân cư; đến ngày 31.12.2015 chấm dứt hoạt động đối với các lò SXGNTC nằm ngoài khu dân cư hoặc trong các điểm sản xuất tập trung ngoài các cụm công nghiệp; đến ngày 31.12.2016 chấm dứt hoạt động đối với các lò SXGNTC trên địa bàn tỉnh. Như vậy, có nghĩa là đến cuối năm 2016 phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động SXGNTC. Tuy nhiên, theo thống kê của huyện Tây Sơn, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện vẫn còn 122 lò SXGNTC chưa thực hiện tháo dỡ. Trong đó, có 51 lò SXGNTC còn hoạt động cầm chừng, tập trung ở hai xã Bình Nghi và Tây Xuân.
Một cơ sở SXGNTC chưa tháo dỡ ở xã Bình Nghi.
Xã Bình Nghi là địa phương có số lượng lò SXGNTC nhiều nhất huyện và cũng là đơn vị đứng đầu về số lò chưa tháo dỡ. Ông Đỗ Văn Định, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, cho biết: “Thực tế đây là một nghề truyền thống lâu đời của người dân địa phương. Hơn nữa, sau khi xóa bỏ các lò, số lượng người lao động không tìm được việc làm mới quá lớn, gây khó khăn cho đời sống người dân cũng như công tác tuyên truyền của chính quyền xã. Cũng vì vậy mà đến nay xã vẫn còn tới 76 lò SXGNTC chưa tháo dỡ, trong đó có 19 lò còn sản xuất”.
Tại xã Tây Xuân, địa phương đã chi trả gần 3,2 tỷ đồng tiền hỗ trợ (trung bình 16,3 triệu đồng/lò) tháo dỡ 196 lò SXGNTC theo Quyết định 2807 ngày 30.5.2017 của UBND huyện. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn xã vẫn còn 37 lò đang hoạt động, 9 lò ngưng hoạt động nhưng chưa tháo dỡ. Ông Nguyễn Đình Chương, Phó Chủ tịch UBND xã, thừa nhận: “UBND xã đã nhiều lần mời chủ các lò SXGNTC này lên để đối thoại cũng như xuống tận lò để tuyên truyền nhưng các hộ vẫn không tự giác tháo dỡ, tiếp tục sản xuất. Chính quyền xã vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu đối với vấn đề này”.
Việc chính quyền các xã vẫn chưa tìm ra biện pháp để giải quyết dứt điểm các lò SXGNTC đã vấp phải sự phản ứng của người dân. Ông T.T.N (người dân thôn 1, xã Bình Nghi), bày tỏ: “Tuy gặp nhiều khó khăn để chuyển đổi nghề khác nhưng chúng tôi vẫn chấp hành chủ trương tháo dỡ lò SXGNTC của Nhà nước. Trong khi lộ trình tháo dỡ đã hết 3 năm, nhiều chủ lò khác không chấp hành, chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý rốt ráo. Như vậy, những hộ chấp hành như tôi thì phải chịu thiệt thòi hay sao?”.
Tới năm 2020 sẽ hoàn thành?
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tây Sơn, nguyên nhân chủ yếu của việc chưa hoàn thành được lộ trình xóa bỏ lò SXGNTC là do số lượng lò ở địa phương quá lớn, phân bổ trên địa bàn rộng, một số xã chưa triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp. Đồng thời, một số hộ còn khó khăn về kinh tế và lúng túng trong việc lựa chọn nghề, khi thị trường ổn định thì họ sản xuất, giá cả bấp bênh thì ngưng sản xuất, cố tình kéo dài thời gian hoạt động. “UBND huyện đã xin chủ trương tổ chức cưỡng chế đối với các lò SXGNTC không tự nguyện tháo dỡ, chấm dứt hoạt động và đã được UBND tỉnh đồng ý. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh nhiều vướng mắc. Đó là các hồ sơ pháp lý về việc giao đất cũng như tuyên truyền vận động các lò SXGNTC tồn tại trong khu dân cư di dời vào các điểm sản xuất tập trung, các xã thực hiện chưa chặt chẽ. Dẫn đến việc xác lập hành vi vi phạm hành chính và cưỡng chế chưa đảm bảo các yếu tố cần thiết theo đúng quy định của pháp luật”, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tây Sơn, ông Lê Hà An cho biết thêm.
Cũng theo ông An, thời gian tới, ngoài tranh thủ sự hỗ trợ về pháp lý của các sở, ngành của tỉnh, các ngành và địa phương của huyện Tây Sơn sẽ tiếp tục củng cố, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý và tổ chức thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với cơ sở không tự nguyện tháo dỡ dứt điểm trong năm 2020. “Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý và ngăn chặn nguồn nguyên liệu cung cấp cho các lò SXGNTC. Đặc biệt, là xây dựng các điểm chốt chặn kiểm soát tại các cụm công nghiệp để ngăn chặn hoạt động cung cấp nguyên liệu cho các lò SXGNTC. Ngoài ra, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan ngưng cung cấp điện, nước cho các lò gạch này”, ông An khẳng định.
Vẫn biết SXGNTC góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương, tuy nhiên mặt trái của ngành nghề này là gây ô nhiễm môi trường và tiêu tốn tài nguyên khoáng sản. Chủ trương, lộ trình xóa bỏ lò SXGNTC đã được trung ương và tỉnh đặt ra cụ thể, vì vậy huyện Tây Sơn phải nghiêm túc chấp hành. Dư luận đang chờ những động thái tích cực hơn nữa của huyện Tây Sơn trong công tác này.
HỒNG PHÚC